Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản?

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đã được cơ quan Nhật Bản chứng nhận về mức độ an toàn, tính tin cậy thì Việt Nam có thể áp dụng triển khai được.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản (Video: Trọng Trinh)

Trưa nay (30/10), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đến xem công nghệ xử lý môi trường tại khu thí điểm làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản ở Hồ Tây (Hà Nội). 

Tại đây, ông Hà đã được nghe Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản giới thiệu về công nghệ xử lý nguồn nước ô nhiễm bằng công nghệ  Nano - Bioreactor Nhật Bản đang áp dụng thí điểm tại Hồ Tây và sông Tô Lịch.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản? - 1

Ông Trần Hồng Hà (trái) trao đổi với Tiến sĩ Tadashi Yamamura.

Sau khi vị chuyên gia trên giới thiệu, ông Hà đã đưa ra những đánh giá ban đầu về công nghệ này. 

"Khi có đầy đủ các thông tin thì chúng ta sẽ đưa ra đánh giá một cách đầy đủ. Nhưng với phương pháp này tôi cho rằng đã được các cơ quan của Nhật Bản chứng nhận về mức độ an toàn, tính tin cậy thì chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng được" - ông Hà nói.

Trong quá trình trao đổi với Tiến sĩ Tadashi Yamamura, ông Hà đưa ra những băn khoăn đó là: Nguồn nước thải đổ xuống sông, hồ ở Việt Nam có khác với Nhật Bản. Vì ở Nhật Bản, nước thải đã được xử lý trước khi xả thải ra môi trường, nên ông Hà muốn chuyên gia Nhật Bản lưu ý vấn đề này; phương pháp này có xử lý được chất thải vô cơ như nước thải công nghiệp, kim loại nặng; chi phí khi áp dụng phương pháp này như thế nào?

"Nước thải công nghiệp thì đương nhiên có hóa chất, thì chúng tôi sẽ phải bổ sung thêm một yếu tố công nghệ để xử lý vấn đề này. Công nghệ này sẽ biến chất thải Crom-6 thay đổi cấu trúc phân tử tạo thành hợp chất Crom-3 là chất vô hại. Về chi phí của công nghệ này sẽ rẻ hơn các phương pháp xử lý nước thải theo kiểu truyền thống, như xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung. Công nghệ này chi phí vận hành để xử lý 1m3 nước thải khoảng 58 đồng Việt Nam" - Tiến sĩ Tadashi Yamamura nói.

Về kết quả của dự án thí điểm nói trên, Tiến sĩ Tadashi Yamamura cho biết: 36 chỉ tiêu về chất lượng nước ở khu vực thả cá Koi Nhật Bản ở sông Tô Lịch và Hồ Tây đều đạt theo quy chuẩn Việt Nam; mùi của sông Tô Lịch giảm 200 lần, mùi tanh hôi của Hồ Tây giảm 30 lần khi được đo bằng máy; Khả năng phân hủy các vi khuẩn có hại thì tại sông Tô Lịch giảm tới 61 triệu lần,...

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản? - 2
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản? - 3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì về công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Nhật Bản? - 4

Ông Trần Hồng Hà cho cá Koi Nhật Bản ăn tại khu vực thí điểm làm sạch nguồn nước bằng công nghệ Nhật Bản ở Hồ Tây.

Trước đó, ngày 16/5, TP Hà Nội khởi động dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch và góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano -Bioreactor. Sau một thời gian thí điểm, bước đầu nước sông Tô Lịch, Hồ Tây tại khu vực thí điểm có cải thiện theo chiều hướng tích cực, bớt mùi hôi và nước trong hơn.

Theo kế hoạch ban đầu, đến giữa tháng 7, đơn vị thực hiện dự án sẽ công bố kết quả. Tuy nhiên, do sự cố xả nước hồ Tây bất ngờ ngày 9/7, khiến toàn bộ kết quả thí điểm bị cuốn trôi, đơn vị thí điểm đã phải triển khai lại và vừa kết thúc đợt thí điểm thứ 2 ngày 16/9.

Trong quá trình triển khai dự án, để chứng minh việc thí điểm làm sạch đoạn sông Tô Lịch, 1 góc Hồ Tây bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản đem lại hiệu quả, nguồn nước sau xử lý đạt quy chuẩn Việt Nam, ngày 8/8 chuyên gia Nhật Bản đã tắm bằng nguồn nước đã được xử lý bằng công nghệ này ở sông Tô Lịch. Ngày 16/9, chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đã cùng nhau thả cá Koi Nhật Bản (cá chép Nhật Bản), cá chép đỏ Việt Nam xuống khu thí điểm ở sông Tô Lịch và Hồ Tây. 

Kết quả đến ngày hôm nay (30/10), đàn cá được thả xuống 2 khu vực trên vẫn sinh sống bình thường. 

Bài: Nguyễn Dương

Ảnh + video: Trọng Trinh - Quân Đỗ