1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng TN-MT: Tính toán việc nhận chìm bùn thải trong cả đời nhiệt điện Vĩnh Tân

(Dân trí) - Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà giải thích, các chất nạo vét từ biển đều được xem là tài nguyên biển, cần cố gắng tái sử dụng ở mức cao nhất. Dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn nạo vét tại nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đã từng được đánh giá nhưng nay cần xét lại toàn diện để tính tới khả năng thực hiện trong toàn bộ tuổi đời dự án nhiệt điện này (70 năm).

Chiều 3/8, báo giới đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành có mặt tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7 cập nhật thông tin về việc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được giao rà soát lại toàn bộ dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải nạo vét trước nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 xuống biển Bình Thuận.

Trao đổi về vấn đề này, trước hết, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà phân tích, một số người dân có nhầm lẫn là vật chất nạo vét ở khu quay tàu là chất thải. Theo ông Hà, luật Tài nguyên môi trường biển Việt Nam, công ước London, về mặt thuật ngữ thì các vật chất nạo vét từ biển là tài nguyên và được khuyến cáo xem xét tái sử dụng, hoàn nguyên.

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường cho biết, trước năm 2005 các hoạt động nhấn chìm vật chất cũng đã diễn ra như khi xây dựng cảng Cái Lân hay cảng Lạch Huyện đều làm theo cách thức này. Việc duy tu bảo dưỡng luồng lạch hàng năm cũng vẫn làm. Bộ Tài Nguyên – Môi trường tiếp cận vấn đề này theo hướng áp dụng luật Tài nguyên Môi trường biển (từ 2015), cần có tính toán, đánh giá tác động một cách cẩn trọng, bài bản hơn.

Trước năm 2015, vấn đề này chưa được quan tâm nhiều, chặt chẽ như hiện nay. Quan điểm, định hướng chúng luôn là không đánh đổi môi trường nhưng dự án khu nhiệt điện Vĩnh Tân đã được phê duyệt từ lâu. Các báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng được xây dựng từ thời điểm đó (2007-2014). Vậy nên, Bộ Tài nguyên – Môi trường cũng đặt vấn đề cần cập nhật việc này trong tình hình mới.

“Cái gì báo cáo đánh giá chưa nói tới thì báo cáo lần này đã xem xét, đánh giá toàn diện hơn. Quan điểm của Bộ là bảo vệ môi trường, không đánh đổi và môi trường hài hoà với phát triển” – Bộ trưởng Hồng Hà nói.

“Không có nhà khoa học… mạo danh”


Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà tại cuộc họp báo.

Thực tế, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Viện tài nguyên và môi trường biển Hải Phòng đã từng thực hiện nghiên cứu, khảo sát đánh giá tác động với khu vực nhận chìm vật chất với diện tích rộng tới 300ha chứ không chỉ 30ha như dự kiến khoanh vùng về khu vực nhận chìm. Viện này đã công bố kết quả việc khảo sát, đánh giá này.

Dù vậy, nhận thông tin từ báo chí, dư luận đặt ra các vấn đề thì cũng cần kiểm chứng lại do hiện trạng biển tại thời điểm làm báo cáo đánh giá tác động môi trường khi đó khác với hiện tại. Vì vậy, vừa qua, Chính phủ giao Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng ra rà soát, đánh giá lại toàn diện với dự án này (rà soát cả báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng như toàn bộ hồ sơ dự án).

“Về phía Bộ Tài nguyên – Môi trường, chúng tôi đã có 22 nhà khoa học đầu ngành ở các lĩnh vực, không có nhà khoa học nào mạo danh, đánh giá bằng cơ sở khoa học ở mọi góc độ. Chúng tôi đã lập hệ thống quan trắc ở các tầng nước, là khảo nghiệm để đánh giá. Nếu giả sử hoạt động này diễn ra thì ngay lập tức Bộ đã có đánh giá” - Bộ trưởng Hồng Hà khẳng định.

Ông Hà cũng cho biết, quan điểm của Chính phủ, môi trường là trên hết. Nhưng vấn đề tiến độ dự án, đáp ứng cân bằng năng lượng cung cấp cho các tỉnh phía Nam cũng đang được đặt ra. Trường hợp chậm trễ, bên có lỗi sẽ bị phạt 620.000 USD mỗi ngày. Vì vậy phải chọn phương án tốt nhất.

Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường nhấn mạnh: “Để đảm bảo đánh giá chính xác, khoa học, Viện Hàn lâm khoa học cần phải thực hiện việc rà soát một cách bình tĩnh và tiếp tục đánh giá, dự báo cho thời gian tới vì nhu cầu nhận chìm, duy tu bảo dưỡng cho khu nhiệt điện Vĩnh Tân này còn rất lớn. Chúng tôi đã đặt hàng với Viện Hàn lâm khoa học là đánh giá với khả năng hoạt động trong toàn bộ tuổi đời dự án”.

P.Thảo