1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vụ cấp phép nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn: Không nên vội vã!

(Dân trí) - Đó là ý kiến của PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, sau khi Bộ TN&MT công bố dữ liệu ban đầu về chuyến khảo sát, đánh giá vùng biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn.

Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, cần đánh giá toàn diện tác động của dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn ở Bình Thuận - (Ảnh Trúc Hà)
Các nhà khoa học, chuyên gia cho rằng, cần đánh giá toàn diện tác động của dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn ở Bình Thuận - (Ảnh Trúc Hà)

Sáng 29/7, trao đổi cùng PV Dân trí, PGS.TSKH Nguyễn Tác An nhận định, kết quả khảo sát, điều tra vùng biển dự kiến nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) của Viện Hải dương học là hết sức khách quan, dữ liệu khoa học thu được hết sức quan trọng, phản ánh đúng thực trạng trong thời điểm hiện nay.

“Kết quả này cho ta thấy đây là vùng đáy mềm, bùn cát, nó có sinh vật sống, nó khác với giấy phép nói đây là vùng cát. Ban đầu Viện Hải dương học đã phát hiện được 4 nhóm sinh vật, chứng tỏ đây không phải là vùng biển chết mà là vùng biển có sự sống”, PGS.TSKH Nguyễn Tác An nói.

Nói về việc các nhà khoa học không tìm thấy san hô ở vùng biển dự kiến nhận chìm, ông An lý giải: “San hô nó chỉ ở vùng đáy cứng thôi, nhưng không phải san hô nó quyết định tất cả. San hô rất quan trọng nhưng toàn bộ đại dương này san hô chiếm chưa đến 0,9% diện tích.

Theo TSKH Nguyễn Tác An, sinh vật sống trong biển theo quy luật gọi là địa đới và phân bố theo kiểu da báo.

“San hô ở nơi vùng đáy cứng, ở Bình Thuận nó có là nơi Hòn Cau đấy. Còn đây nó phân bố theo địa đới, phân bố theo da báo, mà san hô không bao giờ mọc ở vùng đáy mềm, đáy bùn nhưng mà nó đã có sự sống là rất quan trọng. Do đó bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống”, ông An nói thêm.

TSKH Nguyễn Tác An cho rằng, trước thông tin hết sức quan trọng mà Viện Hải dương học vừa công bố sơ bộ nên cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện hơn trước khi quyết định cho nhận chìm.

“Nó càng khẳng định cho những ý kiến của các nhà khoa học là phải dừng lại khảo sát, điều tra thêm một cách toàn diện, không nên vội vã nhận chìm. Phó Thủ tướng vừa rồi chỉ đạo nghiên cứu bảo vệ môi trường là nghiên cứu một cái nhìn toàn diện. Nhưng vừa rồi điều tra của Viện Hải dương học như vậy, tôi thấy một bằng chứng khẳng định rằng là không nên đổ vào đấy”, ông An nói.

TSKH Nguyễn Tác An cho rằng, dữ liệu thu thập của Viện Hải dương học rất quan trọng và cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện hơn trước khi quyết định cho nhận chìm
TSKH Nguyễn Tác An cho rằng, dữ liệu thu thập của Viện Hải dương học rất quan trọng và cần đánh giá, nghiên cứu toàn diện hơn trước khi quyết định cho nhận chìm

Trong khi đó, nói về dữ liệu thu được ban đầu tại vùng biển dự kiến nhận chìm ở Tuy Phong (Bình Thuận), ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: “Tất nhiên, khi thả bùn xuống thì đâu có phải đơn giản bùn nó đứng yên ở đó đâu, với một độ sâu khoảng 30m như vậy thì bùn nó phát tán ra chứ, làm sao mà chìm như một cột bột rơi xuống dưới đáy đâu?”.

Theo ông Võ Thiên Lăng, với lượng bùn “khủng” như thế thì nó sẽ phát tán đi toàn vùng và ảnh hưởng mức độ như thế nào thì cần phải đánh giá, lý giải. “Vì như vậy, các dòng thủy triều nó chảy, nó cuộn đi theo nên tất cả những cái đó, tôi cho rằng cần tính toán lại để không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của vùng nước đó”, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam nêu ý kiến.

Trước đó, sau khi dự án nhận chìm gần 1 triệu m3 bùn vấp phải phản ứng từ các nhà khoa học, Tỉnh ủy Bình Thuận đã có văn bản đề nghị Trung ương xem xét, chỉ đạo, nghiên cứu phương án sử dụng vật chất nạo vét để san lấp mặt bằng làm các công trình lấn biển. Tỉnh Bình Thuận sẽ khảo sát, chọn và đề xuất các bộ, ngành chức năng vị trí sử dụng vật chất nạo vét để lấn biển.

Trước đó, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Đề nghị này đã được Bộ Tài nguyên & Môi trường chấp thuận. Khu vực nhận chìm thuộc vùng biển xã Vĩnh Tân (huyên Tuy Phong, Bình Thuận), với diện tích 30 ha.

Theo đó, vật chất được phép nhận chìm có khối lượng gần 1 triệu m3 , bao gồm bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, cát pha, sét, đá phong hóa thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Vùng biển nhận chìm ở Vĩnh Tân có gì?

Theo PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, kết quả sơ bộ sau chuyến khảo sát, đánh giá hiện trạng khu vực biển dự kiến nhận chìm thu được như sau:

Thứ nhất, bằng phương pháp đo sâu hồi âm bằng máy Lowrance 526 và định vị vệ tinh đã cho kết quả địa hình đáy khu vực dự kiến nhận chìm (30ha) khá bằng phẳng, với độ sâu -35m đến -36.8m.

Thứ hai, kết quả phân tích sơ bộ mẫu trầm tích thu bằng cuốc lấy mẫu “petite ponar” của Mỹ tại 9 điểm trong khu vực cho thấy thành phần vật liệu trầm tích đáy biển chủ yếu là cát mịn, màu xám đen, rất ít vỏ vụn xác sinh vật.

Thứ ba, bằng sự hỗ trợ của thiết bị lặn scuba và thiết bị chuyên dụng, việc quay video sinh cảnh nền đáy đã được tiến hành tại 5 khu vực. Qua việc xử lý tư liệu cho thấy, đây là sinh cảnh đáy mềm khá nghèo sinh vật đáy kích thước lớn với ghi nhận một số ít bụi rong, cua ký cư, ốc, huệ biển và không phát hiện san hô và cỏ biển.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã phân tích mẫu sinh vật đáy nhỏ trong trầm tích, viện ghi nhận sự hiện diện của cả bốn nhóm động vật gồm giun nhiều tơ, thân mềm, giáp xác và da gai. Trong nhóm thân mềm có một mẫu với kích thước nhỏ của loài móng tay - là đối tượng được khai thác làm thực phẩm.

Viết Hảo