1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Thăng: “Không thể phạt người đội mũ bảo hiểm rởm”

(Dân trí) - “Chất lượng mũ bảo hiểm rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội mũ bảo hiểm rởm hay mũ kém chất lượng.” - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khẳng định.

Hiện nay trên cả nước có 36 triệu xe máy với hơn 90% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm (MBH), số lượng MBH ước tính có khoảng hơn 50 triệu chiếc (1 xe máy có từ 2-3 mũ). Tuy nhiên, số liệu thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho thấy, có tới 70% người tham giao thông đội MBH không đảm bảo chất lượng. Rõ ràng, những con số này liên quan đến đại đa số người dân và có trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành về vấn đề liên quan đến MBH.

Bàn về Thông tư liên tịch số 06/2013 quy định việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy mà Bộ Công thương, Khoa học & Công nghệ, Công an và Giao thông Vận tải (GTVT) mới ban hành, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng với các đối tượng sản xuất và kinh doanh buôn bán mũ kém chất lượng, mũ rởm thì phải xử phạt thật nghiêm khắc. Nhưng riêng đối với người tiêu dùng, Bộ trưởng Thăng nhìn nhận vấn đề xử phạt MBH là hết sức nhạy cảm vì có liên quan đến rất nhiều người dân, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng và thận trọng.

MBH dởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể
"MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể
bắt người dân phải chịu trách nhiệm"
 
MBH hợp quy chuẩn phải đảm bảo 3 thành phần cấu thành là vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động (phần xốp trong mũ) và quai mũ. Luật giao thông đường bộ quy định chế tài xử phạt đối với người tham gia giao thông không đội MBH và đội MBH không cài quai.
 
Lâu nay trên thị trường tiêu dùng tràn lan MBH không đảm bảo chất lượng, người tham gia giao thông cũng sử dụng phần nhiều là loại mũ này. Thực tế, người dân không thể phân biệt được MBH thật - rởm bằng mắt thường, trong khi đó MBH bán trên hè phố có giá thành rất rẻ.

Theo Bộ trưởng Thăng, người dân đội MBH có tem hay không có tem đều được, nhưng đảm bảo điều kiện MBH có 3 thành phần cấu thành nói trên.

“Chất lượng MBH rởm là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước chứ không thể bắt người dân phải chịu trách nhiệm được, không thể phạt người dân vì đội MBH rởm hay mũ kém chất lượng. Vì thế, khi phạt người tham gia giao thông không có chuyện phạt vì mũ rởm, mũ kém chất lượng hay mũ không giống MBH... Các loại mũ này không thể phân biệt được, nếu cố phạt thì chỉ có tranh cãi suốt ngày. Trách nhiệm của quản lý thị trường là phải đảm bảo được sản xuất và lưu thông. Tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại tất cả các mức phạt cho hợp lí và các nội dung phạt cần xin ý kiến cụ thể.” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Về phía Bộ Công an, ông Trần Sơn Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt khẳng định lực lượng cảnh sát không thể lập biên bản xử lý mà không có hành vi vi phạm, khi trong Luật không có chế tài xử phạt, không có quy định xử phạt.

Ông Sơn cũng cho rằng 4 Bộ Công thường, Công an, GTVT và Khoa học & Công nghệ phải ngồi lại với nhau để bàn luận cho thật kỹ về vấn đề MBH, tránh các ngành chồng lấn sang nhau và phải làm từ gốc. Trong luật hình sự có tội làm hàng giả, quản lý thị trường có chức năng xử lý việc làm hàng giả, kém chất lượng, vi phạm nặng sẽ xử lý theo Luật hình sự.

Thực tế, nếu quy định mũ phải dán tem CR thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề liên quan, cụ thể là nhiều loại mũ rất tốt nhưng cũng không có tem dán thì lúc đó việc xử lý rất khó. “Trước năm 2008 (khi chưa có Luật giao thông đường bộ) có nhập về nhiều mũ từ nước ngoài rất đẹp và đảm bảo chất lượng, giờ xử phạt thế nào? Cần xem xét lại, nếu quy định thì phải thực hiện được, vừa dễ thực hiện vừa không gây khó khăn cho dân, nếu quy định mà dân phản đối không thực hiện được thì rất gay go, luật pháp không được thực thi.” - ông Sơn phân tích.

 
MBH bày bán công khai và tràn lan trên thị trường (ảnh minh họa)
MBH bày bán công khai và tràn lan trên thị trường (ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng đề xuất MBH có dán tem hợp quy chỉ phù hợp với những loại mũ người dân mua để dùng từ nay trở đi. Nhưng có hơn 30 triệu người đi mô tô, xe máy và hơn 90% người đội MHB, số MBH lại có nhiều xuất xứ thì rất khó. Ông Quyền cũng cho biết chính ông cũng đội đang đội 1 chiếc MBH từ 10 năm nay, nhưng đó là mũ xịn và được mua từ nước ngoài nên không dán tem hợp chuẩn.

“Hiện có cả chục triệu mũ chưa dám tem với nhiều mũ đảm bảo chất lượng do nước ngoài sản xuất không dán tem viện trợ hoặc nhập khẩu vào. Nếu ban hành quy định phạt mũ không dán tem thì phải có lộ trình giải quyết số mũ còn lại, nếu không tìm ra nơi sản xuất để dán tem thì phải vứt hết đi cũng không hợp lý.” - ông Quyền cho hay.

Đại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Vụ trưởng vụ Hình sự Hành chính cũng cho rằng việc phạt người đội MBH giả không khả thi. Theo bà Thoa, MBH đã bán thì phải đảm bảo chất lượng, cần tập trung phạt hành vi sản xuất MBH không bảo đảm chất lượng vì người tham gia giao thông khó phân biệt mũ giả- thật, người dân thấy mũ bán rẻ thì mua và tin vào sự giới thiệu của người bán, việc xử phạt người đội MBH rất khó.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm