Liên quan đến Thông tư liên tịch số 06/2013 về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật sư Hoàng Văn Dũng - Công ty luật Bross & Partners.
Quy định phạt người tham gia giao thông đội MBH kém chất lượng (mũ giả) có đủ cơ sở pháp lý và đúng Luật hay không thưa ông?
Trước khi có Thông tư liên tịch số 06/2013 của Bộ Khoa học Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông Vận tải về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe máy, xe đạp máy, xe máy thì chúng ta đã có nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh vấn đề này. Cụ thể,̀ tại khoản 2 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách”.
Bộ Khoa học Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, QCVN2: 2008/ BKHCN ban hành theo Quyết định số 04/2008/ QĐ-BKHVN ngày 28/04/2008 quy định mức giới hạn của các chỉ tiêu liên quan đến an toàn đối với mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy và các yêu cầu quản lý chất lượng đối với mũ sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ ban hành Quyết định số 1024/ QĐ-TĐC ngày 06/08/2008 về “hướng dẫn đánh giá chứng nhận hợp quy mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”.
Luật Sư Hoàng Văn Dũng
Tuy nhiên, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa quy định hình thức xử phạt đối với người đi mô tô, xe máy đội MBH không bảo đảm chất lượng, nên trước thời điểm ban hành Thông tư liên tịch số 06 này, cơ quan chức năng chưa có căn cứ pháp lý để xử phạt người vi phạm. Kể từ thời điểm thông tư này có hiệu lực thì đã xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng cho việc xử phạt hành vi vi phạm hành chính này.
Rất khó để phân biệt đâu là MBH giả và MBH thật, vậy trường hợp lực lượng chức năng xử phạt sai thì người tham gia giao thông có thể kiện ngược lại không thưa ông?
Theo các tiêu chuẩn đã nêu ở trên thì có đủ cơ sở để phân biệt tính thật - giả của MBH. Tuy nhiên, lực lượng có chức năng xử phạt không thể kiêm cơ quan giám định nên việc triển khai quy định này trên thực tế là điều không đơn giản. Giả sử người tham gia giao thông bị xử phạt “oan” thì hoàn toàn có quyền khởi kiện cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt mình.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải truy trách nhiệm của cơ quan quản lý và xử phạt cán bộ quản lý thị trường vì để MBH giả được bày bán tràn lan, ông nghĩ sao về điều này?
Công bằng mà nói, ở trạng thái tâm lý người sử dụng, họ sẽ đặt ra rất nhiều câu hỏi khác ngoài những thắc mắc nêu trên như tại sao chuyển trách nhiệm sang người tiêu dùng (người sử dụng) mà không quy kết trách nhiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước, hay sao không xử phạt thật nặng ngưởi sản xuất ra MBH kém chất lượng này... Những thắc mắc này, theo tôi không phải là không có lý.
Về quy định xử phạt người sử dụng MBH kém chất lượng mới ban hành, mục đích của nhà làm luật luôn hướng tới lợi ích bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng, hạn chế chi phí xã hội để khắc phục những hậu quả do nó gây ra… nên việc áp dụng là điều rất cần thiết, tôi ủng hộ đối tượng đầu tiên và số đông cần hướng tới đó là người sử dụng. Song song với đó, nên xử lý nghiêm minh người sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán loại hàng hóa kém chất lượng này, không loại trừ xem xét cả trách nhiệm của cả cơ quan quản lý nhà nước.
Nếu bị phạt oan, người tham gia giao thông có thể khởi kiện cơ quan chức năng
(ảnh minh họa: Quang Phong)
90% người tham gia giao thông đội MBH nhưng chỉ có 30% người tham gia giao thông đội là mũ MBH hợp quy chuẩn. Ông nghĩ sao về con số này?
Về số liệu thống kê, tôi nghĩ cần phải tổ chức các cuộc điều tra quy mô và khoa học để có được các số liệu chính xác, khách quan phục vụ công tác ban hành và áp dụng pháp luật trong lĩnh vực này. Các con số mà tôi được biết thì có rất nhiều nhưng độ tin cậy thì cần phải kiểm chứng lại. Cụ thể như: trong một đợt kiểm tra thí điểm của Cục Quản lý thị trường - Bộ Công Thương tại Hà Nội thì thấy 100% điểm kinh doanh MBH có vi phạm, trong đó có tới 59,89% trong số 3300 MBH không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồi gốc xuất xử (có vẻ gần với số liệu PV nêu).
Hay số liệu của Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, hiện có 90% người tham gia giao thông đội MBH nhưng chỉ có khoảng 30% số người sử dụng loại MBH đạt chuẩn. Ngiên cứu của WTO gần đây thì cho biết trong số 80 mẫu MBH có dán chứng nhận của nhà nước nhưng 54% trong số đó không vượt qua được các đợt kiểm tra về mức độ an toàn…
Qua đó cho thấy, các con số phản ánh rất nhiều tiêu chí khác nhau nhưng đều liên quan đến mức độ an toàn của sản phẩm MBH, và thực sự mức độ an toàn của MBH mà người sử dụng coi nhẹ đã và đang là vấn hệ trọng của xã hội cần được điều chỉnh bằng công cụ pháp lý.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Quỳnh Anh