1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Thăng: “Chốt” đường bay thẳng trong tháng 10

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết, trong tháng 9 này sẽ làm việc với người đồng cấp Lào và Campuchia, vấn đề gì vượt quá thẩm quyền sẽ báo cáo Chính phủ giải quyết. Trong tháng 10 phải có kết quả cuối cùng về việc thiết lập đường bay thẳng.

Làm việc với Quân chủng phòng không không quân, Cục Tác chiến - Bộ Quốc phòng, Cục Hàng không Việt Nam, các đơn vị hàng không và các hãng hàng không sáng nay (10/9), Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc “nắn” thẳng đường bay là chủ trương đã có từ lâu, đây là không phải là việc làm cho “oai”, mà là một trong nhóm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, hiệu quả kinh tế và phục vụ tốt nhất cho hành khách đi máy bay.

“Đường bay thẳng tốt trong mọi trường hợp”

Vấn đề lớn nhất đặt ra trong việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia là yếu tố kỹ thuật liên quan đến mực bay và chi phí quá cảnh. Hiện nay, Lào chưa cho phép bay mực bay tối ưu là FL350 nên các chuyến bay qua không phận nước này chỉ ở mực FL280. Chi phí quá cảnh theo tính toán của hãng vận chuyển Vietnam Airlines là 650 USD/lượt với máy bay Airbus 321/320 và 680 USD/lượt với máy bay Boeing 777, tuy đã đàm phán giảm 50% nhưng Chính phủ Lào và Campuchia vẫn chưa đồng ý.

Ông Đinh Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - khẳng định: “Trong mọi trường hợp, có đường bay thẳng tốt hơn là không”.

Đường bay thẳng tốt trong mọi trường hợp

"Đường bay thẳng tốt trong mọi trường hợp"

Theo ông Thắng, hàng năm, trong điều kiện thời tiết xấu Việt Nam vẫn phải bay sang phía Tây (Lào và Campuchia) hơn 100 chuyến bay. Mỗi năm có hơn 10 cơn bão vào Việt Nam, trong đó có 5 cơn bão phải điều chỉnh hướng bay trong khoảng 5 ngày, vì thế các hãng hàng không phải bay tránh bão trên đường bay truyền thống của Campuchia. Bởi vậy, nhìn vào hoạt động khai thác bay thực thế thì rõ ràng có đường bay thẳng sẽ rất tốt.

Về phía Lào, ông Thắng đề cập đến trang thiết bị và năng lực quản lý bay kém hơn Việt Nam, trình độ kiểm soát viên không lưu cũng thấp hơn, nếu phải điều hành số lượng chuyến bay quá lớn trên một mực bay thì họ sẽ gặp khó khăn, đặc biệt vấn đề đảm bảo an toàn bay. Do đó phía Lào chưa đồng ý cho Việt Nam khai thác mực bay tối ưu là có lý của họ.

Chiều 9/9, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã có văn bản chính thức gửi Cục Hàng không Việt Nam về việc kiểm chứng kết quả bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM. JICA khẳng định những thông số kỹ thuật và kết quả bay trên buồng lái giả định (SIM) là chính xác. 

Qua phân tích hồ sơ và xử lý trên hệ thống thiết bị độc lập, JICA cũng ghi nhận đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia đã rút ngắn hơn 85km, giảm 5 phút bay và tiết kiệm 190kg dầu so với đường bay trục hiện tại của Việt Nam.

Tháo gỡ khó khăn này, ông Thắng đề xuất với Bộ trưởng Đinh La Thăng phương án phân luồng, trong đó sử dụng cả đường bay thẳng và đường bay hiện tại. Trong đó, các chuyến bay từ phía Nam ra miền Trung (Vinh, Đồng Hới) sẽ bay trên đường bay thẳng, các chuyến bay từ Bắc vào Nam thì bay theo đường bay hiện tại.

“Nếu xử lý theo phương án này thì sẽ hỗ trợ tốt các đường bay, bay đường bay một chiều thì xung đột trên không giảm hơn rất nhiều so với bay 2 chiều (máy bay phải lên/xuống thường xuyên), giảm được ác tắc trên đường bay trục hiện tại, giảm áp lực điều hành bay cho kiểm soát viên không lưu, tạo cho các hãng hàng không chủ động và linh hoạt trong việc lựa chọn sử dụng đường bay. Cách phân luồng này cũng khả thi để giải quyết được những khó khăn hiện tại của nước bạn Lào” - ông Thắng phân tích.

Trong khi đó, Trung tướng Phương Minh Hòa - Tư lệnh Quân chủng phòng không không quân, Bộ Quốc phòng - cho rằng: “Trong bối cảnh hiện nay, chủ trương mở thêm một con đường là rất quý, nhất là đường hàng không và được nước bạn, cộng đồng quốc tế công nhận, gắn liền với lợi ích quốc gia và an ninh quốc phòng. Vì vậy, phải quyết tâm mở đường bay thẳng, kể cả chỉ tiết kiệm được 1 phút thôi thì cũng phải có phương án đi trước một bước”.

Trung tướng Phương Minh Hòa cũng đề nghị cần phải thực hiện bay giả định trong trường hợp có các tình huống có máy bay không quân hoặc những tình huống khác, để đánh giá ảnh hưởng, mực bay và thời gian chờ… Trung tướng Phương Minh Hòa cho biết sẽ báo cáo với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng để xin ý kiến tìm ra các giải pháp tháo gỡ.

Sẽ không chỉ là một đường bay thẳng

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Hàng không và các đơn vị liên quan sau hơn 1 tháng đã có những báo cáo kết quả bước đầu về đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia. Từ những vấn đề đang đặt ra, Bộ trưởng Đinh La Thăng giao Tổ công tác tiếp tục nghiên cứu và làm việc với Bộ Quốc phòng để xem xét lại vùng trời, các cảng hàng không sân bay sao cho phù hợp nhất.

Đường bay thẳng tốt trong mọi trường hợp

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ "nắn" các đường bay, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và lợi ích quốc gia

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, tiết kiệm được một phút bay cũng là rất quý giá. Bởi vậy, Bộ trưởng khẳng định sẽ tiếp tục nghiên cứu các đường bay thẳng, trong đó có đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM. Bộ trưởng chỉ đạo Tổ công tác tiếp tục làm việc với Quân chủng phòng không không quân và sớm làm việc với các cơ quan hàng không của Lào và Campuchia để thống nhất chủ trương thiết lập đường hàng không thẳng Hà Nội - TPHCM.

“Trong tháng 9 này, Cục Hàng không phải có báo cáo để tôi sẽ trực tiếp làm việc với Bộ trưởng GTVT của Lào và Campuchia trong thẩm quyền, điều gì vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ giải quyết. Trong tháng 10 phải có kết quả cuối cùng của việc thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Ngoài đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ phải “nắn” lại các đường bay cho thẳng hơn nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, đây là trách nhiệm của tất cả các cơ quan hữu quan, mà trước hết là trách nhiệm của ngành không, từ Cục Hàng không đến các đơn vị và doanh nghiệp hàng không trước Đảng trước nhân dân, “nắn” lại các đường bay tốt nhất trong điều kiện có thể, phối hợp chặt chẽ với Lào, Campuchia và Myanma để thực hiện chủ trương này.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm