“Đường bay vàng”: Vì sao chỉ giảm được 5 phút bay?
(Dân trí) - Bay thẳng ngắn hơn bay vòng, thực tế này khiến nhiều người kỳ vọng về hiệu quả tối ưu của “đường bay vàng”. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm cho thấy đường bay thẳng chỉ tiết kiệm được 5 phút và ngắn hơn 85km so với đường bay hiện tại. Vì sao lại như vậy?
Trong chuyến bay thử nghiệm trên đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia tại buồng lái giả định bằng máy bay Airbus 321, tổ lái Vietnam Airlines thực hiện bay trong mọi điều kiện tốt nhất, theo phương thức cất-hạ cánh tối ưu và mực bay tối ưu nhất (FL350), cự ly từ Hà Nội đến TPHCM là 643 dặm (tương đương 1.191km, ngắn hơn 85km so với đường bay hiện tại) với vận tốc bay 850km/h. Chuyến bay kết thúc hành trình trên đường hàng không thẳng từ Hà Nội tới TPHCM qua lãnh thổ Lào và Campuchia sau 1 tiếng 43 phút và lượng nhiên liêu khai thác là 4.140 kg. Như vậy, so với 1 tiếng 48 phút trên đường bay hiện tại thì đường bay thẳng tiết kiệm được 5 phút bay.
Sau khi kết quả thử nghiệm “đường bay vàng” được công bố, nhiều người nghi ngại đặt câu hỏi: Bay thẳng ngắn hơn bay vòng, nhưng tại sao quãng đường chỉ rút ngắn hơn 85km, thời gian bay chỉ tiết kiệm được 5 phút?
Các chuyến bay khi cất cánh đều phải bay theo đường cong của bề mặt trái đất
Trao đổi với PV Dân trí về con số 5 phút bay ứng với quãng đường rút ngắn 85km so với đường bay hiện tại, đại diện của Ban không lưu - Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam - lý giải: “Trên bản đồ trải phẳng, đường thẳng chỉ là đường thẳng mà chưa bao gồm các phương thức bay. Các chuyến bay khi cất cánh đều phải bay theo đường cong của bề mặt trái đất và trọng tâm máy bay rơi vào trọng tâm trái đất, khi đó quỹ đạo bay ngắn nhất nối 2 điểm phải đảm bảo yếu tố tạo ra mặt phẳng với tâm trái đất”.
Xét về trực quan, khi nhìn trên bản đồ thì nhiều người lầm tưởng đó là một đường bay thẳng tắp như đường chỉ nối liền 2 điểm Hà Nội và TPHCM, nhưng thực tế bay không phải như vậy. Một đường bay mà máy bay có thể bay được phải chuẩn chỉ về các yếu tố kỹ thuật, bao gồm các phương thức bay, phương thức cất-hạ cánh ở 2 đầu sân bay, mực bay…
“Đường thẳng mà mọi người nhìn thấy là điểm đối điểm, nhưng một chuyến bay thực tế để hạ cánh được cần tối thiểu 10 dặm bay vòng để lấy cự ly đối chuẩn, lấy thăng bằng, giảm độ cao… đó là chưa kể có chướng ngại vật như sức gió, tải trọng, loại máy bay, khả năng lấy độ cao…
Trước năm 2009, đường bay trục Hà Nội - TPHCM chưa được “nắn” nên cự ly và thời bay dài hơn. Nhưng từ năm 2009 đến nay, với việc “nắn” đường bay và tổ chức các phương thức bay phù hợp hơn, đã rút ngắn được đáng kể quãng đường bay so với trước đó. Vì thế khi bay thử nghiệm đường bay thẳng đã ghi nhận là ngắn hơn 85km so với đường bay đang khai thác” - đại diện Ban không lưu cho hay.
Để đảm bảo sự khách quan và chính xác nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã mời chuyên gia Nhật Bản kiểm chứng lại kết quả thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua lãnh thổ Lào và Campuchia mà Vietnam Airlines, VietJet Air vừa thực hiện trong buồng lái giả định.
Tìm cách giải “bài toán” phí
Ngay từ khi khởi động lại việc nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM qua không phận Lào và Campuchia, mục tiêu kinh tế đặt ra là đôi bên cùng có lợi, Việt Nam sẽ tăng các chuyến bay điều hành, nước bạn sẽ tăng nguồn thu tài chính.
Theo hãng hàng không sẽ bay chủ lực trên đường bay thẳng là Vietnam Airlines, chi phí phải trả khi bay qua Lào và Campuchia tính theo từng chuyến bay và loại máy bay khai thác. Cụ thể, tổng chi phí phải thanh toán khi máy bay Airbus 321/320 bay khứ hồi qua không phận Lào và Campuchia là 1.300 USD, còn với máy bay Boeing 777/330 là 1.700 USD. Vietnam Airlines đã đề nghị nhà chức trách hàng không Việt Nam đàm phán với 2 nước bạn để giảm ít nhất 50% chi phí nhằm “chống” lỗ.
Trước đó, TS. Lương Hoài Nam - Tổng Giám đốc Hãng hàng không tư nhân Hải Âu cho rằng - nếu chi phí bay quá cảnh Lào và Campuchia ở mức khoảng 650 USD/chuyến/chiều cho A320 và 850 USD cho B777, thì các chi phí tiết kiệm được bằng đường bay và thời gian bay ngắn hơn, có thể để bù đắp các phí bay quá cảnh. Chi phí khai thác A320 khoảng 6.000 USD/giờ, 40% trong đó là chi phí xăng dầu. Có thể còn thương thảo giảm phí thêm với Lào và Campuchia cho hợp tình hợp lí hơn nữa.
Với kết quả thử nghiệm là tiết kiệm 5 phút bay, 85km và 190kg dầu, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh - đánh giá: “Giảm được 5 phút bay cũng là một tín hiệu khả quan, không phải thấy 5 phút thì thôi không làm nữa. Ở đây là tiếp tục tìm cách tháo gỡ khó khăn để tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Thực tế có những đường bay chỉ giảm được 2 phút cũng điều chỉnh và khai thác hiệu quả”.
Nói về khả năng giảm phí cho đường bay thẳng, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, sẽ xin giảm phí điều hành bay trong nước và phí quốc tế đang xin giảm rất sâu (đã đề xuất giảm 50% - PV). Cách tính toán khả thi có thể đưa ra là số nhiên liệu tiết kiệm được quy ra tiền để chuyển sang trả phí quá cảnh cho Lào và Campuchia, còn “lãi” ở đây là khoảng thời gian 5 phút bay.
Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho phép giải quyết các vấn đề lớn với Bộ Quốc phòng về việc tổ chức lại vùng trời, tiếp tục đàm phán với Lào và Campuchia để cụ thể hóa việc giảm giá điều hành bay cho các chuyến bay lộ trình Nội Bài - Tân Sơn Nhất và ngược lại qua không phận của 2 nước này. Tổ công tác sẽ tiếp tục xây dựng, cụ thể hóa phương án đường hàng không và phương thức bay, lấy ý kiến của các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng. Đàm phán, thỏa thuận với Lào và Campuchia về thông số kỹ thuật cụ thể của đường hàng không, phương thức điều hành bay, phối hợp điều hành bay, các điểm giao cắt, các điểm chuyển giao biên giới của đường hàng không.
Châu Như Quỳnh