1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ trưởng phải trực tiếp tiếp dân hàng tháng

(Dân trí) - Với 84,14% số phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua luật Tiếp công dân vào chiều 25/11. Quốc hội nhất trí bổ sung quy định Ban Nội chính là cơ quan tiếp dân thường xuyên. Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải dành ít nhất 1 ngày trong tháng để trực tiếp tiếp dân.

Các đại biểu Quốc hội đã thông qua 3 quy định quan trọng trong dự thảo trước khi thông qua toàn văn, đó là các điều khoản về Trụ sở tiếp công dân, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan tiếp công dân và việc tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội.

Về địa điểm tiếp công dân, nếu theo dự thảo trình Quốc hội đầu kỳ họp quy định phải “khang trang, lịch sự”, thì luật thông qua lần này đã bỏ tiêu chí trên để phù hợp với điều kiện khó khăn của đất nước hiện nay.
Quốc hội thông qua luật Tiếp công dân vào chiều 25/11
Quốc hội thông qua luật Tiếp công dân vào chiều 25/11

Về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, luật quy định rõ 2 Bộ trưởng là Tổng Thanh tra Chính phủ và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân ở TƯ ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp tỉnh cũng cần trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng. Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp tiếp công dân ít nhất 2 ngày/tháng, Chủ tịch UBND cấp xã trực tiếp tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tuần.

Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ… cũng sẽ tiếp công dân ít nhất 1 ngày/tháng.

Người đứng đầu các cơ quan này cũng phải thực hiện việc tiếp công dân đột xuất trong trường hợp vụ việc gay gắt, phức tạp, có nhiều người tham gia; vụ việc nếu không xem xét, chỉ đạo kịp thời có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc có thể dẫn đến hủy hoại tài sản nhà nước...

Một điểm mới được bổ sung vào luật để trình Quốc hội thông qua là quy định Ban Nội chính là cơ quan tham gia tiếp công dân thường xuyên ở TƯ và cấp tỉnh. Thường vụ Quốc hội cho rằng, mặc dù số lượng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc phạm vi chức năng của Ủy ban Kiểm tra, các ban Đảng TƯ không nhiều. Tuy nhiên, các cơ quan này tham gia tiếp công dân thường xuyên tại trụ sở sẽ giúp các cơ quan lãnh đạo của Đảng đánh giá, kiểm tra và giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Luật cũng có quy định nghiêm cấm những hành vi gây phiền hà, sách nhiễu, cản trở người khiếu nại, tố cáo, phản ánh hoặc thiếu trách nhiệm, phân biệt đối xử trong việc tiếp công dân. Đồng thời, cũng nghiêm cấm việc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự, xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, kích động, lôi kéo người khác tập trung đông người tại nơi tiếp công dân.

Luật Tiếp công dân có hiệu lực từ ngày 1/7/2014.

Cũng trong ngày 25/11, Quốc hội thông qua luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật. Luật có quy định về thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sau sử dụng. Thuốc BVTV của Việt Nam chủ yếu là nhập khẩu với lượng sử dụng khoảng 70.000 tấn thuốc thành phẩm/năm; tổng doanh thu khoảng 1 tỷ USD (tương đương khoảng 21.000 tỷ đồng). Tương ứng với lượng thuốc BVTV thành phẩm nói trên là lượng bao gói sau sử dụng khoảng 7.000 tấn/năm (khoảng 10% tổng lượng thuốc BVTV thành phẩm).

Với chi phí xử lý 25 triệu đồng/tấn, tổng chi phí cho việc tiêu hủy ước tính là gần 200 tỷ đồng/năm. Như vậy, nếu quy định thuế bảo vệ môi trường trung bình khoảng 2% tổng doanh thu bán thuốc thì ngân sách nhà nước sẽ có đủ kinh phí thực hiện việc thu gom và tiêu hủy bao gói sau sử dụng. Hiện nay, công nghệ xử lý bao gói thuốc BVTV đang được hoàn thiện dần, trong tương lai chi phí này sẽ giảm, đồng thời sẽ có nhiều loại bao gói có thể được tái chế mà không cần tiêu hủy. 

P.Thảo