Bộ trưởng Nông nghiệp: Thực phẩm cho dịp Tết rất dồi dào

(Dân trí) - Mặc dù đang đứng trước nguy cơ thiếu thịt lợn vào dịp Tết Canh Tý 2020 và những tháng đầu năm mới, nhưng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vẫn khẳng định "tổng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào".

Bộ trưởng Nông nghiệp: Thực phẩm cho dịp Tết rất dồi dào - 1

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp: Thực phẩm cho dịp Tết rất dồi dào.

Ngày 19/12/2019, Bộ NN&PTNT đã có báo cáo số 9522/BNN-TY gửi Thủ tướng Chính phủ về việc báo cáo tình hình cung ứng thực phẩm dịp cuối năm 2019 và đầu năm 2020.

Nội dung báo cáo cho biết, từ đầu tháng 2/2019 đến ngày 18/12/2019, bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại hơn 8.500 xã thuộc 667 huyện của 63 tỉnh, thành phố với tổng số lợn tiêu hủy là gần 6 triệu con với tổng trọng lượng là gần 343.000 tấn (chiếm khoảng 9.0% tổng trọng lượng lợn của cả nước). 

Theo Bộ NN&PTNT, dịch bệnh đã giảm mạnh từ tháng 6/2019 đến nay. Phát triển chăn nuôi gia súc khác, gia cầm và thủy sản với tổng sản lượng các loại thực phẩm tăng hơn 400.000 tấn so với năm 2018, một phần phục vụ cho tăng trưởng, một phần bù đắp thiếu hụt do bệnh DTLCP. Nhiều địa phương đã chủ động chỉ đạo tái đàn có kết quả và đã có thịt lợn cung cấp cho thị trường. Mặt khác, người chăn nuôi đặc biệt quan tâm, biết cách áp dụng có hiệu quả các biện an toàn sinh học và vệ sinh phòng bệnh. 

Một nội dung nữa Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng, đó là: Doanh nghiệp tập trung nhiều nguồn lực đầu tư giữ đàn lợn cụ kỵ, ông bà, hiện vẫn còn khoảng 109 nghìn con (90%) chưa bị dịch bệnh; Cả nước đã có 860 vùng, cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh và hàng chục doanh nghiệp chăn nuôi lớn bảo đảm an toàn sinh học nên lợn không mắc bệnh DTLCP. 

"Theo Tổng cục Thống kê nhận định nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200 ngàn tấn, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây; Có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lợn để cân đối việc thiếu hụt thịt lợn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên" - nội dung Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng.

Ngày 22/12, trực tiếp đi kiểm tra công tác chăn nuôi và phòng chống DTLCP và chuẩn bị nguồn cung thực phẩm phục vụ Tết tại tỉnh Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Trong thời gian qua, các địa phương đã thực hiện rất nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tập trung tăng cường sản xuất các loại thực phẩm. Theo đó, sản lượng gia cầm tăng 15%, thủy sản tăng 6%, đại gia súc tăng 4,5%, như vậy lượng tổng thực phẩm cho nhu cầu cuối năm và đầu năm tới rất dồi dào.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Thực phẩm cho dịp Tết rất dồi dào - 2

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác chăn nuôi ở Bắc Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị: "Các địa phương phải tăng cường sản xuất các loại vật nuôi, không chỉ về lợn mà còn là nhiều nguồn thực phẩm khác như gia cầm, thủy sản hay gia súc - đây là giải pháp bền vững và hiệu quả nhất. Từ đó, không chỉ là đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn phục vụ cho xuất khẩu".

Ngoài ra, ông Cường cũng đề nghị phải tăng cường ngay công tác tái đàn lợn, hiện nay các địa phương đang làm rất chặt chẽ. Tiếp đó là tăng cường kiểm soát không để tình trạng xuất lậu lợn qua biên giới, đây không chỉ là đảm bảo nguồn cung mà còn đảm bảo an toàn dịch bệnh lây lan từ bên ngoài.

Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị phải đảm bảo được công tác thương mại, nguồn lưu thông, không để tình trạng “găm” hàng, trục lợi.

Về chiến lược lâu dài, người đứng đầu Bộ NNPTNN cũng lưu ý, phải làm sao phát triển hài hòa các nhóm thực phẩm, cơ cấu để đảm bảo an toàn kinh tế, an toàn sinh học, an toàn trước các loại bênh tật, nhưng phải cân đối dinh dưỡng.

"Các công ty chăn nuôi lớn, giữ được nhiều lợn cần làm hạt nhân, dẫn dắt thị trường theo hướng tích cực, không được để giá tăng quá cao vì nếu không sẽ "gậy ông đập lưng ông", người tiêu dùng quay lưng, nguồn hàng nhập tràn về và các doanh nghiệp khi đó sẽ thua ngay trên sân nhà", ông Cường nhấn mạnh.

Một giải pháp nữa mà Bộ trưởng đưa ra là cần tìm cách giảm các khâu trung gian, rút ngắn khoảng cách từ sản xuất đến tiêu dùng để giảm giá thành.

Ngoài các giải pháp như trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh, điều cần thiết là tìm ra một giải pháp lâu dài, từ 2020 trở đi tìm ra những hướng đi đột phá để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xử lý tốt với các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, cụ thể như DTLCP vừa qua.

Nguyễn Dương