1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Nông nghiệp: "Giá trị cốt lõi của Tây Nguyên trên hết là rừng"

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, giá trị cốt lõi của Tây Nguyên là rừng, do đó phải tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Ngày 22/6, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị "Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên".

Bộ trưởng Nông nghiệp: Giá trị cốt lõi của Tây Nguyên trên hết là rừng - 1
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát triển rừng Tây Nguyên bền vững

Hội nghị với sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và lãnh đạo tỉnh, các cơ quan ban ngành 5 tỉnh Tây Nguyên.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, năm 2019 tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên trên 2,5 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực Tây Nguyên đạt 45,92%.

Năm 2019, diện tích rừng Tây Nguyên giảm hơn 15.700 ha, trong đó Đắk Lắk giảm nhiều nhất với hơn 11.400 ha. Hiện chất lượng rừng đang bị suy thoái, rừng giàu chỉ chiếm 18,40%, số còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi.

Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, khu vực Tây Nguyên đã phát hiện hơn 4.800 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đã xử lý hơn 4.400 vụ vi phạm.

Riêng 5 tháng đầu năm nay là 1.520 vụ. Đã phát hiện và xử lý hơn 1.300 vụ phát rừng canh tác nương rẫy, diện tích rừng bị thiệt hại 410 ha.

Bộ trưởng Nông nghiệp: Giá trị cốt lõi của Tây Nguyên trên hết là rừng - 2
Chỉ riêng năm 2019 có trên 15 nghìn ha rừng tại Tây Nguyên bị tàn phá

Để bảo vệ, quản lý rừng bền vững, Bộ NN&PTNT đề ra nhiều giải pháp như: ngăn chặn và xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; chủ động phòng chống công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả.

Đẩy mạnh quản lý rừng cộng đồng, thực hiện canh tác nương rẫy bền vững theo hướng nông lâm kết hợp; tiếp tục giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân quản lý; không để phát sinh diện tích rừng bị tranh chấp, lấn chiếm. 

Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên đã nêu lên thực trạng công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương đều gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt khó khăn trong tình trạng di dân tự do. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp để bảo vệ, phát triển rừng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã ghi nhận những ý kiến đóng các đại biểu tham dự hội nghị, đồng thời chỉ đạo Tổng Cục Lâm nghiệp tổng hợp các ý kiến để Lãnh đạo Bộ xem xét, nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những giải pháp cụ thể.

"Để quản lý bảo vệ rừng hiệu quả, các tỉnh khu vực Tây nguyên cần phải ổn định tình trạng dân di cư tự do, những dự án đã được phê duyệt, bố trí kinh phí tổ chức triển khai. Các dự án khác cần rà soát, phê duyệt cần làm nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, đơn vị quản lý các cấp; rà soát, điều chỉnh các loại rừng để có giải pháp bảo vệ phát triển rừng hiệu quả.

"Tôi đồng tình quan điểm để bảo vệ rừng cần xác định rõ trách nhiệm không chỉ chủ rừng mà ở chính quyền, cấp ủy địa phương các cấp để nâng cao trách nhiệm, xử lý nghiêm", Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chỉ ra giá trị cốt lõi của Tây Nguyên trên hết là rừng và đây là vùng có nhiều lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển niền kinh tế nông, lâm trù phú khó nơi nào có được.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải tăng hệ số che phủ rừng tại Tây Nguyên vì nếu không giữ được hệ số che phủ rừng thì liệu còn giữ được đất đỏ bazan để phát triển Tây Nguyên. Do đó, việc bảo vệ, quản lý rừng, phát triển rừng bền vững rất quan trọng.

Thúy Diễm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm