1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng Nông nghiệp: Cần mạnh tay hơn nữa với nạn phá rừng!

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, dù các vụ phá rừng có giảm, nhưng đây là điểm nhức nhối, nên phải làm gay gắt, làm mạnh vấn đề này.

Ngày 24/12, tại hội nghị tổng kết năm 2018 của Tổng cục Lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2018 ngành lâm nghiệp đạt được nhiều kết quả nổi bật.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp: Cần mạnh tay hơn nữa với nạn phá rừng! - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị...

 

Cụ thể, Việt Nam đang chủ động được 80% nguyên liệu gỗ từ hoạt động phát triển rừng bền vững, là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam trở thành những quốc gia xuất khẩu gỗ hàng đầu thế giới.

Năm 2018, lâm nghiệp tiếp tục là “điểm sáng” khi giá trị xuất khẩu lâm sản và gỗ đã đạt 9,3 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2017. Giá trị xuất siêu của lâm sản chiếm tới 85% giá trị xuất siêu của toàn ngành nông nghiệp, một yếu tố quan trọng là Việt Nam đã chủ động được 80% vùng nguyên liệu gỗ từ việc thực hiện quản lý và phát triển rừng bền vững.

Ông Điển cho biết, năm 2018, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tiếp tục đạt được một số kết quả nổi bật, cụ thể: Cả nước đã phát hiện gần 13.000 vụ, giảm hơn 3.500 vụ (tương ứng giảm 22%) so với năm 2017. Diện tích rừng bị thiệt hại là 936 ha, giảm 515 ha (tương ứng giảm 35%). Các hành vi, vụ việc vi phạm đã giảm cả về số lượng và quy mô; Về vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật: cả nước đã phát hiện gần 5.000 vụ vận chuyển, mua bán trái pháp luật gỗ và lâm sản (giảm 25% so với năm 2017).

Về thực hiện kế hoạch trồng rừng năm 2018, cả nước đã trồng hơn 230.000 ha, bằng 118,7% kế hoạch năm, trong đó: rừng phòng hộ, đặc dụng hơn 15.000 ha, đạt 100,5%; rừng sản xuất hơn 216.000 ha, đạt 120,3% kế hoạch năm,...

Về thực hiện Công ước CITES: Ngành Lâm nghiệp đã thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật; Tham mưu thực hiện tốt chức năng đại diện cho Việt Nam thực hiện các quyền và nghĩa vụ của nước thành viên Công ước CITES; Thúc đẩy sự tham gia của cơ quan khoa học CITES đối với việc giám định, định loại mẫu vật cho các vụ buôn bán trái phép các loài động thực vật thuộc quản lý của công ước CITES bị bắt giữ; Năm 2018 đã cấp gần 8.000 giấy phép các loại, tăng 37,7% so với năm 2017, trong đó: xử lý tại bộ phận một cửa của Tổng cục lâm nghiệp là hơn 7.000 giấy phép và xử lý trên Hệ thống một cửa quốc gia là 858 giấy phép....

Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, bên cạnh những kết quả quan trọng của ngành đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn; nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn; và trồng rừng có chứng chỉ. Đến nay, vẫn còn những điểm nóng về phá rừng gây dư luận không tốt trong xã hội.

Nói thêm về vấn nạn phá rừng, ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "Chúng ta phấn đấu phải giảm được 1.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến rừng trong năm 2019 và giảm khoảng 20% diện tích rừng bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra, nghĩa là chúng ta phải giảm được 200-300ha. Tôi nghĩ rằng, với sự quyết liệt hiện nay của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương, cùng với việc tăng cường giám sát tại hiện trường, nhất là việc triệt phá những đường dây phá rừng trái pháp luật hiện nay, giám sát chặt chẽ cơ sở chế biến ở trong nước khu vực trong rừng và cửa rừng, tăng cường những giải pháp quản lý tại chỗ của kiểm lâm địa bàn, của chủ rừng thì tôi tin chúng ta có thể đạt được mục tiêu này".

 

Bộ trưởng Nông nghiệp: Cần mạnh tay hơn nữa với nạn phá rừng! - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị.

 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường lưu ý, dù các vụ phá rừng có giảm, nhưng đây là điểm nhức nhối, nên phải làm gay gắt, làm mạnh vấn đề này. Tổng cục lâm nghiệp phải tăng kiểm tra giám sát, đôn đốc, phối hợp với các tỉnh, không để xảy ra mức độ phá rừng như thời gian qua.

Một vấn đề Bộ trưởng Cường nhấn mạnh tại Hội nghị đó là, thu phí dịch vụ môi trường rừng làm sao để người trồng rừng, trông coi rừng phải sống được được…Việc thu phí này phải minh bạch và tính thêm đối tượng thụ hưởng, có rừng giữ nước, rừng tạo ô xy, nên cơ quan nhà nước phải cần cân đối vấn đề này.

"Ngành lâm nghiệp phát triển nhanh, nhưng phải đảm bảo yếu tố bền vững. Ngành cần đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng" -  Bộ trưởng Cường nói thêm.

Nguyễn Dương