Bộ trưởng Nội vụ: “Tôi chưa từng tự đánh giá bản thân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”
(Dân trí) - “Từ khi bước vào công vụ đến giờ, tôi chưa có bản kiểm điểm nào tự đánh giá là bản thân mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng như thế anh em cũng ngại, bảo là Thủ trưởng còn vậy, anh em sao dám đánh giá là mình hoàn thành được nhiệm vụ”- Bộ trưởng dẫn chứng về việc đánh giá cán bộ còn nể nang, chưa chính xác.
Trả lời câu hỏi về vấn đề tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân xin được gửi văn bản thống kê về số lượng tinh giản cụ thể của mỗi Bộ, ngành. Riêng với Bộ Nội vụ, đã giảm được 14 cấp phòng, không còn vụ nào có cấp phòng, loại bỏ trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Biên chế Bộ được giao năm 2015 là 615 người, đã giảm được 76 người, vượt chỉ tiêu 10%. Hiện biên chế còn 68 người Bộ cũng chưa thu, để dự phòng cho những đơn vị có nhiệm vụ tăng thêm.
Mục tiêu đến 2021, Bộ Nội vụ sẽ giảm được 15% biên chế. Con số đó “nằm trong bàn tay Bộ Nội vụ”.
Còn việc xây dựng trụ sở cơ quan mới, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân khẳng định Bộ là một trong những bộ ngành đầu tiên trả lại trụ sở cũ ở phố Nguyễn Bỉnh Khiêm cho Chính phủ.
Nói về chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số mà đại biểu Ma Thị Thúy đề cập, Bộ trưởng thừa nhận “Đây là lần thứ 2 trong phiên chất vấn này, tôi xin thay mặt lãnh đạo Chính phủ nhận trách nhiệm vì những nhiệm vụ chưa làm để xây dựng chế độ chính sách với cán bộ, công chức”. “Đây là khuyết điểm của Bộ Nội vụ, trong đó có trách nhiệm của Bộ trưởng. Khuyết điểm này cần được kiểm điểm đến nơi đến chốn” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Về vấn đề cấp bậc hàm, Bộ trưởng giải thích, không có quy định về cấp bậc hàm. Hiện nay, để thực hiện chủ trương của Ban cán sự Đảng, năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định về hàm thư ký, trợ lý, các chức danh chuyên viên cao cấp.
Năm 2018, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng một văn bản quy định về chuyên viên cao cấp.
Bộ trưởng Nội vụ dẫn chứng, các Uỷ viên Trung ương hiện nay đều có thư ký nhưng những người này không có chức danh, không có phụ cấp… nên mới có chức danh hàm để giải quyết chế độ cho cán bộ đặc thù này. Các cơ quan cũng đang xem xét để chuyển từ chức danh hàm sang chuyên gia cao cấp, gắn liền với đề án thực hiện các chính sách tiền lương mới áp dụng từ năm 2021.
Với câu hỏi về tỷ lệ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ trưởng Nội vụ khẳng định đã có tổng hợp của hơn 40 tỉnh, các bộ ngành báo cáo về. Theo đó, tỷ lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ công chức khoảng 67%, hoàn thành xuất sắc khoảng 27%...
“Tuy nhiên, việc đánh giá này chưa sát vì chưa xây dựng được bản miêu tả vị trí việc làm nên việc đánh giá vẫn còn chung chung” - Bộ trưởng nhận định.
Theo ông, để đánh giá chính xác thì giao việc là phải có kiểm tra, giám sát ngay xem việc thực hiện nhiệm vụ có chậm trễ hay không. Theo Bộ trưởng, việc xây dựng tiêu chí đánh giá chưa gắn với mô tả vị trí việc làm dẫn tới kết quả này. Ngoài ra cũng có tính nể nang trong việc đánh giá.
“Từ khi bước vào công vụ đến giờ, tôi chưa có bản kiểm điểm nào tự đánh giá là bản thân mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhưng thế anh em cũng ngại, bảo là Thủ trưởng còn vậy, anh em sao dám đánh giá là mình hoàn thành được nhiệm vụ”- Bộ trưởng dẫn chứng.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói về đánh giá cán bộ công chức (Xử lý video: Đỗ Ngọc Diệp - Phạm Tiến)
“Đánh giá cán bộ gì mà không tìm được người nào để tinh giản biên chế nữa trong khi thực tế dư luận vẫn cho rằng chỉ 30% cán bộ làm việc. Vậy nên với con số tổng hợp đưa ra, Bộ trưởng Nội vụ đánh giá là chưa chính xác” – Bộ trưởng thẳng thắn nói.
Về tham nhũng vặt mà đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói, Bộ trưởng Nội vụ xác nhận, đó là một lỗ hổng mà nếu không bịt kịp thì từ một lỗ hổng nhỏ sẽ thành một lỗ hổng lớn, dễ đắm thuyền, rất nguy hiểm. Tham nhũng vặt cũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành quyết định 184 “Đề án văn hoá công vụ”, đã được triển khai rất rộng rãi. Trong phong trào thi đua của năm 2019, Thủ tướng cũng phát động xây dựng văn hoá công sở. Vấn đề hiện tại là làm sao cán bộ công chức phải thực sự là người công bộc, làm việc với một tinh thần trách nhiệm cao.
Thực tế, ngay tại Bộ Nội vụ, nhiều cán bộ, công chức làm việc tới 24h đêm chưa ngủ, đi qua Bộ thấy 22h đêm đèn vẫn sáng.
"Tôi cũng biết rất nhiều các cơ quan làm việc không giờ giấc, khối lượng công việc rất lớn. Theo Bộ trưởng, với tinh thần như vậy, có thể khẳng định, tỷ lệ cán bộ tiêu cực, tham nhũng vặt cũng không nhiều", ông Lê Vĩnh Tân nêu quan điểm.
Bộ trưởng Nội vụ tự thấy kết quả đánh giá cán bộ chưa chính xác (Xử lý video: Đỗ Ngọc Diệp - Phạm Tiến)
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu tranh luận lại Bộ trưởng Nội vụ. Ông ghi nhận kết quả tinh giản biên chế của Bộ Nội vụ nhưng chưa đồng tình với câu trả lời về tình trạng cán bộ, công chức, viên chức gây nhũng nhiễu, tham nhũng vặt.
Ông Cầu cho biết, vấn đề này ông đã đề cập từ phiên chất vấn trước, năm 2016, nhưng đến giờ trong dự thảo Luật Cán bộ công chức sửa đổi vẫn chưa thấy sửa các quy định, chưa thấy những biện pháp mạnh tay hơn.
Thảo luận về luật này thì các đại biểu Quốc hội chỉ nói về nhân tài, không thấy nói về kỷ luật, vậy thì hướng nào cải thiện được tình trạng hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Hữu Cầu. Bà Tâm hỏi, Bộ trưởng có trách nhiệm gì với việc để tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tham nhũng vặt như vậy? Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn, khắc phục tình trạng này?
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Cầu, ông Tân hứa tới đây xây dựng các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức viên chức sửa đổi sẽ khắc phục triệt để tình trạng này, không để cán bộ có cơ hội tiếp tục gây nhũng nhiễu, hành dân.
Nói về sai phạm trong đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng, khen thưởng… công chức, Bộ trưởng Nội vụ cho rằng, theo kết luận 43 của Bộ Chính trị, kết luận 48 của Ban Bí thư thì sai phạm về tuyển dụng chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong số các nội dung. Tuy nhiên, xử lý vấn đề này hết sức nhạy cảm vì phải làm sao để đảm bảo sự ổn định chính trị, tình hình, chuẩn bị cho Đại hội Đảng sắp tới. Việc cần rút kinh nghiệm là cái gốc của vấn đề: khâu tuyển dụng.
Những địa phương sai phạm nhiều nhất có con số vi phạm phát hiện được lên tới trên 1.700 trường hợp. Con số như vậy không nhỏ chút nào - theo nhận định của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Việc xử lý, theo Bộ trưởng Nội vụ, theo kết luận 48 của Ban Bí thư về các tiêu chuẩn cho “nợ” khi tuyển dụng, các trường hợp thường nằm ở giai đoạn trước, tới nay đều đã hoàn thành đủ hồ sơ thủ tục rồi, coi như không xem xét lại, chỉ kiểm điểm trách nhiệm của cơ quan tham mưu.
Bộ trưởng một lần nữa giải thích, xử lý vấn đề này là hết sức nhạy cảm, dù vấn đề này phải xử lý kiên quyết nhưng cũng phải làm thận trọng, kỹ lưỡng từng bước để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Hà Nội) nhắc lại nhận định một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng, lãng phí, lạm dụng chức vụ quyền hạn, bố trí người thân vào làm việc trong bộ máy. Đề nghị Bộ trưởng cho biết tỷ lệ cán bộ công chức có những vi phạm như đã nêu, nhóm nào có tỷ lệ cao nhất?
Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) đề cập, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương đã kỷ luật 70 cán bộ cao cấp. Tổng Bí thư nói đó là việc đau xót nhưng không thể không làm. Cử tri thì bức xúc vì cán bộ vô cảm. Quy định về tuyển dụng công chức đã có sao vẫn để lọt nhiều người không tốt như vậy vào bộ máy?
Trả lời chất vấn của đại biểu Hồng Hà, Bộ trưởng Nội vụ cho biết có 1.657 người bị xem xét kỷ luật về sai phạm tuyển dụng. Trong khi đó, vi phạm về thi đua khen thưởng chỉ có 2 người; vi phạm khác như về tham nhũng, sinh con thứ ba lên tới 1.790 người (chiếm 75,5%). Số kỷ luật khiển trách có 740 người, cảnh cáo gần 300 người, cách chức 100 người.
Về xử lý viên chức, năm 2018 đã xử lý gần 3.000 người, tăng 98 người so với năm 2017. Trong đó, vi phạm liên quan đến thi đua, khen thưởng và vi phạm khác gồm có tham ô, tham nhũng, cờ bạc, sinh con thứ 3 là gần 2.500 người, chiếm tỷ lệ 82,2%...
Về Nghị định 34, đến giờ vẫn chưa có thông tư hướng dẫn, Bộ trưởng Nội vụ lại “xin nhận trách nhiệm”.
Giải pháp ngăn chặn tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, tham ô, Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Nghị định 34. Đây được đặt là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động thanh, kiểm tra công vụ trong năm 2020 vì những vi phạm này chiếm tỷ lệ quá lớn (tới 70-80%).
Còn việc kiểm tra công vụ không phát hiện được tham nhũng, tham ô của cán bộ là vì đây chỉ là hậu kiểm, khi có phản ánh của báo chí, dư luận thì Bộ Nội vụ mới cho kiểm tra chứ không phải thanh tra nên chưa phát hiện được sai phạm kịp thời.
Về tinh giản biên chế, có đại biểu cho rằng đang được thực hiện một cách cào bằng, ông Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh, Bộ Nội vụ không phải là cơ quan giao biên chế. Vậy nên việc giảm biên chế, Bộ Nội vụ cũng không cào bằng.
Tiếp lửa cho Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian qua, 2 Bộ đã có nhiều cuộc làm việc cũng như làm việc với các địa phương để tháo gỡ vướng mắc về biên chế giáo viên. Đây là ngành đặc thù nên cần có giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giải quyết những vấn đề vướng mắc đó.
Tới đây sẽ có những quy định về tuyển dụng, thi nâng hạng, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học…
Liên quan đến việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các trường học, Bộ Giáo dục đã có văn bản hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp các trường lẻ, các trường phổ thông có nhiều cấp học. Mô hình này có chỗ vướng trong quá trình hình thành do sáp nhập, liên kết vì có những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn trường lớp, giáo viên sao cho phù hợp với từng cấp học, độ tuổi của học sinh. Vậy nên các địa phương được chủ trương sắp xếp theo nhu cầu thực tế chứ không phải cơ học. Nhiều địa phương đã làm tốt việc này nhưng nhiều địa phương cũng còn lúng túng nên việc sắp xếp các trường liên cấp có vấn đề, chưa “mượt mà”.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bình luận, từ đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nội vụ đã “nhận trách nhiệm” 5 lần. Đại biểu cho rằng, việc nhận khuyết điểm này, đặt vào tâm thế của một tư lệnh ngành về quản lý nhà nước hiện còn nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nội vụ, thể hiện thái độ chân thành của Bộ trưởng. Tuy nhiên, cử tri hiện rất tâm tư rất băn khoăn, lo lắng trước những sự thay đổi trước những nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện liên tục các chính sách liên quan. Đó là sự mệt mỏi với việc tách nhập, là sự mệt mỏi, lo âu của việc làm sao để hoàn thiện các văn bằng chứng chỉ “không khác gì những giấy phép con”. Những quy định như thế tạo ra rất nhiều lỗ hổng, nhiều kẽ hở về mặt pháp lý. Trách nhiệm của Bộ khi tham mưu những chính sách “cắc cớ” như vậy?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề cập, nhiều cán bộ sử dụng bằng giả, dùng nhiều quan hệ thân hữu… và cứ thế mà lên, tạo thành những băng nhóm tham nhũng trong khi việc xử lý lại chỉ giơ cao đánh khẽ, như Bộ trưởng nói, 12 trường hợp xử lý năm ngoái chỉ toàn là cảnh cáo, khiển trách.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình báo cáo thêm, việc tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới chế độ công vụ là chủ trương lớn của Ban chấp hành Trung ương. Ngoài ra, Chính phủ cũng tích cực thực hiện quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền của Bộ Chính trị.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện nghị quyết đã đạt kết quả quan trọng bước đầu.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng thừa nhận, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở một số lĩnh vực chưa tinh gọn, hiệu quả. Một bộ phận cán bộ, công chức viên chức năng lực hạn chế, còn tình trạng tham nhũng vặt, sai phạm trong tuyển dụng bổ nhiệm mà việc xử lý chưa nghiêm.
“Việc này Chính phủ đã nắm được và đã có biện pháp để từng bước xử lý” – Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung quyết liệt thực hiện các công việc như thể chế hóa pháp luật, trong đó đặc biệt lưu ý vấn đề văn bằng chứng chỉ, xử lý vi phạm trong hoạt động công vụ, xử lý cán bộ vi phạm khi đã nghỉ hưu…
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Nội vụ xây dựng lộ trình thực hiện phù hợp khả thi, thận trọng trong công tác sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ, đẩy mạnh đổi mới cơ chế hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo lộ trình như Nghị quyết Trung ương 6 khoá XII gắn với nâng cao chất lượng và thực hiện xã hội hoá, dịch vụ sự nghiệp công. Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ hoàn thiện định mức biên chế giáo dục y tế cho phù hợp với thực tế.
Nghị quyết số 19 của Trung ương đã nêu nguyên tắc, đáp ứng dịch vụ cơ bản thiết yếu cho xã hội, có học sinh phải có giáo viên đứng lớp, có bệnh nhân phải có cán bộ y tế.
Chính phủ cũng chấn chỉnh các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý cán bộ, bổ nhiệm, đề bạt người nhà thiếu theo chuẩn, sai quy trình.
Phó Thủ tướng chỉ rõ, sẽ tăng cường trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương trong công tác đánh giá cán bộ, bảo đảm thực chất, tạo cơ sở thực hiện tinh giản biên chế, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, tránh ý kiến trái chiều trong dư luận và xã hội về kết quả đánh giá.
“Những vấn đề về sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh giản biên chế theo hướng thu gọn đầu mối là vấn đề động đến tổ chức con người và rất phức tạp trong quá trình thực hiện, phải giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại đã tồn tại một thời gian dài. Chính phủ xác định phải làm từng bước thận trọng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm vừa lắng nghe theo ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động để có giải pháp giải quyết đúng quy định của pháp luật nhưng đồng thời phải đảm bảo hợp tình hợp lý” – Phó Thủ tướng phân tích.
Phó Thủ tướng cho rằng, cải tiến bộ máy, tinh giản biên chế không phải là vấn đề mới, trong các giai đoạn phát triển của đất nước, việc này đã được tiến hành nhiều lần nhưng vấn đề này chưa bao giờ là dễ dàng. Chính phủ xác định đây là vấn đề khó khăn phức tạp nên phải có bước đi phù hợp thận trọng.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân tại Quốc hội sáng 7/11 tạm dừng với hàng loạt câu hỏi hóc dành lại cho vị tư lệnh ngành tiếp tục trả lời vào buổi chiều…
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) dẫn con số từ báo cáo của Bộ trưởng Nội vụ là cả nước chỉ có 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Đại biểu nhận xét, nếu như con số này là đúng thì rất đáng mừng. Đại biểu Thủy đề nghị Bộ trưởng cho biết, con số 0,63% nêu trên có phản ánh đúng tình hình thực tế thực thi công vụ của công chức hay không, nếu như không đúng thì có phải là có tình trạng "dĩ hòa vi quý" khi đánh giá cán bộ công chức?
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) đặt vấn đề, tình trạng cán bộ, công chức tham nhũng vặt gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này là do chế tài xử lý quy định trong Luật cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, chưa mạnh tay xử lý các sai phạm. Đại biểu muốn biết, sửa đổi Luật cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn, mới hơn để khắc phục các tình trạng nói trên?
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, mục tiêu thực hiện tinh gọn bộ máy và biên chế là để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức. Vậy thời gian qua việc này đã thực hiện được hay chưa? Nếu chưa, Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng thu nhập thực tế của cán bộ, công chức, viên chức?
Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) lật lại vấn đề bất cập trong quy định về chức danh hàm đã từng được Quốc hội mổ xẻ, đến nay giải quyết, xử lý như thế nào? Quy định việc tổ chức thi chuyên viên chính và chuyên viên cao cấp hiện cũng không phù hợp và không cần thiết, vậy cần bỏ đi hoặc cải thiện thế nào vì việc này phát sinh nhiều bất tiện và tiêu cực?
Trước đó, đại biểu Châu Quỳnh Giao cũng đặt câu hỏi, tinh giản biên chế, làm sao để không loại bỏ nhầm người giỏi, người tài, giữ lại người kém, nhưng chưa nhận được câu trả lời của Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân.
Phương Thảo