1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ trưởng Nội vụ: Công chức yếu kém chỉ… 1%!?

(Dân trí) – Khi UB Thường vụ QH truy về thực hư vấn đề 30% công chức “cắp ô”, không làm được việc, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình giải thích đã yêu cầu địa phương báo cáo. Kết quả bước đầu, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới… 1%.

Đây là một nội dung làm nóng phiên thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại UB Thường vụ QH chiều 20/9.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề, luật cán bộ công chức đã có vài năm qua để thay thế pháp lệnh từ năm 1993 nhưng nghị định 36 hướng dẫn về tiêu chuẩn vị trí công việc tháng 4 vừa qua mới có nên suốt thời gian qua vẫn phải sử dụng quy định xây dựng trong pháp lệnh.

“Có phải như vậy cơ bản đến nay chúng ta vẫn quản lý cán bộ như 20 năm trước? Trách nhiệm này thuộc ai? Nghị định áp dụng từ năm 1993 đến nay mới làm lại là điều rất đáng buồn và như thế thì không thể mong chất lượng bộ máy nâng lên được” – Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội: Thực hư câu chuyện 1/3 đội ngũ cán bộ công chức không để làm gì?.
Chủ tịch Quốc hội: "Thực hư câu chuyện 1/3 đội ngũ cán bộ công chức không để làm gì?".

Trưởng đoàn giám sát – Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý xác nhận, thực tế hiện nay các địa phương báo cáo là vẫn áp dụng nghị định cũ. “Phần ấy đúng là lạc hậu, thậm chí là quá lạc hậu”.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu giải trình về những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu, bôi trơn, chạy này chạy kia mà dư luận nói đủ cả. Theo đó, câu chuyện 1/3 đội ngũ cán bộ công chức không để làm gì, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng muốn có câu trả lời chính thức.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng đặt vấn đề, bộ máy công chức vẫn ngày một tăng lên, cần đánh giá số tăng lên phần nào là tích cực, phần nào không hợp lý. Chất lượng cán bộ công chức qua tuyển chọn có đáp ứng được tình hình mới trong khi dư luận vẫn nói hiện 20-30% không làm được việc, nếu có giảm đi thì bộ máy vẫn đảm bảo. Ông Hiển đề nghị cơ quan chức năng xác nhận dư luận đúng hay vẫn khẳng định 100% công chức đảm bảo chất lượng.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết, đoàn giám sát đã yêu cầu Chính phủ cung cấp kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vấn đề dư luận nêu ra này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được báo cáo. “Đi đâu chúng tôi cũng đều hỏi từng nơi, từng cơ quan là có đúng 1/3 cán bộ hiện không đạt yêu cầu công tác nhưng các địa phương lý giải chưa có tiêu chí đánh giá cụ thể nên chưa dám khẳng định tỷ lệ là 1/3 hay 1/4” – ông Lý thông tin.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình trả lời thêm, hiện chưa có dữ liệu để tổng hợp đánh giá về trình độ cán bộ công chức viên chức từ TƯ đến cấp cơ sở. Chính phủ đang chỉ đạo xem xét cập nhật vấn đề này.

Còn vấn đề tỷ lệ % bao nhiêu công chức có năng lực, hoàn thành nhiệm vụ hay yếu kém mà xã hội đang rất quan tâm, ông Bình cho biết, nhiều văn bản của Đảng, nhà nước đã đề cập, đặc biệt là khi thực hiện Nghị quyết TƯ 4. Bộ Nội vụ đã tập trung kiểm điểm, tìm nguyên nhân, có văn bản đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành báo cáo phân tích về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ công chức tính đến 31/12/2012.

Số liệu các địa phương tập hợp gửi lên đến thời điểm này chưa đầy đủ nhưng Bộ trưởng Nội vụ khẳng định, kết quả bước đầu cho thấy, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới… 1%.

Tỏ ý không tin con số này, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nêu thực tế không ít cán bộ hàng ngày 8h sáng đến công sở xong đi ăn sáng, cà phê rồi mới quay lại phòng làm việc, buổi chiều làm thêm một chút nữa, đến 16h-16h30 là nhấp nhổm chơi thể thao hoặc đi đón con. Năng suất làm việc như vậy, ông Hiển quả quyết không thể tốt được. Và với công sức bỏ ra chừng đó, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách cho rằng mặt bằng lương trả như hiện tại đã là cao, không cần tiến hành cải cách, thay đổi nữa.
 
Bộ trưởng Nội vụ: Báo cáo sơ bộ, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%.
Bộ trưởng Nội vụ: "Báo cáo sơ bộ, số cán bộ công chức chưa hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%".

Mấu chốt vấn đề ở đây theo ông Hiển là cơ chế quản lý, đánh giá, tuyển dụng. Kiến nghị cơ chế khoán việc, ông Hiển phân tích, cách này hiệu quả hơn việc chờ bí thư, chủ tịch đi rình bắt cán bộ vi phạm vì phương pháp này chỉ giúp tóm được vài trường hợp kiểu “làm một vài cú để tạo áp lực nhất định” nhưng không phải hướng thay đổi căn bản.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị đánh giá lại cách tuyển chọn vừa qua xem đã hiệu quả, hợp lý hay còn hình thức. Thực tế hiện khá phổ biến cảnh cán bộ có đủ loại bằng cấp nhưng giao cho một việc cụ thể để làm thì không đạt yêu cầu mà càng không làm được việc lại càng được cử đi học thêm.

Ông Hiển gợi ý giao quyền bổ nhiệm, chọn nhân sự cho người đứng đầu cơ quan đơn vị để người đó tự xây dựng một kíp làm việc khoa học (chứ không phải kíp “cánh hẩu”) và tự chịu trách nhiệm về việc này. Nếu đơn vị không làm được việc sẽ “xử” cả đội.

Chia sẻ thêm lo ngại về những nghi ngờ trong dư luận về tiêu cực, tham nhũng trong công tác cán bộ, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước chỉ rõ, hiện tượng quy định, bổ nhiệm cán bộ vượt khung là nguyên cớ dẫn đến tình trạng này. Ông Phước nêu một loạt biểu hiện như theo quy định, cấp phó không được quá 4 người nhưng vừa qua nhiều Bộ có tới 11 Thứ trưởng, không ít Tổng cục có cả chục Phó Tổng Cục trưởng. Hay hiện tượng “5 chạy” (chạy chức, chạy quyền, chạy việc, chạy ghế…) hoặc quy định phong tướng để làm việc nhưng nhiều người nhận quyết định phong tướng xong chỉ để… nghỉ hưu.

Lần giám sát này, ông Phước đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan “gác cổng” cho Chính phủ về lĩnh vực quản lý nhân sự này.

Đáp lời Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình xác nhận tiêu cực trong tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm là một vấn đề khá nhức nhối trong dư luận. Ngành Nội vụ đã đề nghị xây dựng nghị định về phòng chống tiêu cực trong công tác cán bộ và thi đua khen thưởng… Dự thảo nghị định đang được Bộ hoàn thiện để lấy ý kiến các bộ ngành về bộ tiêu chí đánh giá. Nếu sớm, nghị định này có thể ban hành trong quý IV/2013.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm