Công chức “cắp ô”: Nhìn thẳng khác hẳn nhìn nghiêng

(Dân trí) - Những con số báo cáo luôn đẹp hơn nhiều so với thực tế, điều đó chẳng ai còn lạ. Nhưng vốn cho rằng tỉ lệ 30% công chức cắp ô còn quá “khiêm tốn”, dư luận lại chẳng thể đặng đừng trước đánh giá: RẤT ÍT cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Lệch chuẩn thước đo

 

Sự thật luôn có một và chỉ một mà thôi, song qua báo cáo thường lại khác với thực tế thì chỉ có thể lý giải rằng chuẩn thước đo tiêu chí. Nói cách khác là do cái góc người ta nhìn vào sự thật, mà nhìn thẳng nhiều khi khác hẳn với nhìn nghiêng!

 

“Báo cáo cho biết, số lượng cán bộ công chức toàn quốc tính đến ngày 31/12/2012 là hơn 535.500 người. Về trình độ, tiến sỹ hơn 2.200 người (0,4%), thạc sỹ 19.666 người (3,7%), cử nhân gần 278.200 người (51,9%), số công chức đã được đào tạo về lý luận chính trị là hơn 251.000 người (46,9%). 46, 9% được cơ cấu làm lãnh đạo” - Nhiều SẾP vậy nhỉ???? ÔI "CÔNG CHỨC"!!!” - Duonghv: duong6661@yahoo.com

 

“Một đằng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ theo tiêu chí "phục vụ", còn một đằng đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ theo tiêu chí "công quyền", do vậy phải ra con số khác nhau là đúng” - Tôn Văn Cường:  cngtnvn@yahoo.com.vn

 

“Đánh giá khảo sát như trên theo tôi mới là tạm thôi, trên thực tế còn hơn thế nữa. Ở một số cơ quan  cấp tỉnh nếu nhìn thẳng vào sự thật thì phải có tới 60% cán bộ công nhân viên chức không có việc gì làm. Sáng đến uống nước chè, hút thuốc, bình luận chuyện cho qua ngày hoặc chơi game trên máy tính, chiều về sớm đi uống rượu...” – Thanh Nguyen:  ThanhBTTN@gmail.com

 

“Hiiii….. Các bác lúc nào cũng giương cao khẩu hiệu: nâng cao chất lượng, giảm số lượng công chức viên chức! Nhưng nói thật là từ lúc em vào công chức đến giờ được ngót 5 năm, mà số lượng đã tăng gấp 4 lần ở cái huyện bé tí em đang làm. Theo em biết, chạy lên chức cũng mất vài trăm, suất ngon phải tiền tỷ (?) Nên các bác phải phát sinh thêm nhiều nhiều biên chế để còn đường mà gỡ vốn đã đầu tư chớ!!!” – Minh Giang:  minhgiang@gmail.com

 

“Tôi cũng từng là 1 công chức, đọc thấy báo chí đã viết nhiều về tình trạng 30% CBCC "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", thế mà vẫn có những giới chức cho rằng không nhiều như thế? Phải chăng đó là chưa dám nhìn thẳng vào sự thật vì chưa có thuốc nào chữa được (bệnh thích nhìn nghiêng?)

Thời gian qua thấy ra quá nhiều thông tư, nghị định để tận thu của dân bù bội chi (như phí đường bộ của xe máy - mà đường nào có khá hơn; phí mang tài liệu vào phòng thi - HS lấy đâu ra tiền để nộp?...) Trong khi đó một trong những nguyên nhân bội chi ngân sách là biên chế về CBCC quá nhiều, nếu không nói là quá thừa so với nội dung công việc. Có chăng là việc của 1 tháng ngày công có thể chỉ giải quyết trong phạm vi 1/3 tháng.
 
Tình trạng này khá phổ biến ở các cơ quan hành chính, viện nghiên cứu, các trường ĐH... Đơn cử như ở trường tôi, bộ môn tôi: 1 ngày làm việc nhiều nhất chỉ có khoảng 30% CBVC có mặt và cứ thế đầu tháng lĩnh lương. Thế mà bây giờ nhà nước lại còn cho kéo dài thời gian công tác thêm ít nhất là 5 năm với TS, GS... Với thống kê số TS, cấp GS như 1 bài báo của Dân trí vừa đăng, các vị thử tính xem một năm Nhà nước phải rút ngân sách ra chi hết bao nhiêu? Thực tế nguồn nhân lực này (hay gọi là chuyên gia, nhà khoa học) không cần nhiều đến mức dàn trải cho tất cả các viện, trường…. vì ở ta vẫn chỉ dựa vào báo cáo của cơ sở là chính. Mà cơ chế xin - cho ở nước ta biết bao giờ mới hết? Lãng phí tiền của dân quá mất thôi!” – Thanh Trân:  thanhhp05@yahoo.com
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Người nhiều, việc ít vẫn… “lực lượng mỏng”

 

Đội ngũ cán bộ của chúng ta đã bị kêu ca rất nhiều vì cồng kềnh với rất nhiều ban bệ, chức năng chồng chéo…và xem ra càng tinh giản càng phình to. Nhưng mỗi khi có sự việc gì không hay xảy ra, câu giải thích đầu tiên của giới chức năng luôn là: Việc nhiều, lực lượng mỏng, không thể dàn trải làm hết được. Như vụ thẩm mỹ viện Cát Tường tại Hà Nội là một ví dụ, khiến dư luận càng nghe càng…thất vọng!

 

“Cần xem xét vấn đề trên cơ sở phân tích khoa học để thấy rõ thực trạng công chức nói chung là rất nhàn rỗi, nói tỷ lệ 30% cắp ô đi rồi lại cắp ô về nhưng thực  tế con số này còn lớn hơn nhiều. Các giới chức hãy xem xét lắng nghe mà xem, ở đâu cũng có chuyện phải chạy công chức bằng tiền cả, vậy phải chăng là do làm công chức nhàn hạ lại có điều kiện tham nhũng nên người ta mới ham…?” - Đặng Hữu Hùng:  danghung@gmail.com

 

“Em xin các bác... Theo em, thực chất phải có 70% trở lên số công chức sáng cắp ô đi chiều cắp ô về, cuối tháng lĩnh lương, phụ cấp. 20% công chức sáng đến uống nước chè, sau đó hành dân, hành doanh nghiệp để nhận phong bì. Còn lại không quá 10% là làm việc thực sự. Những người làm việc thực sự này sẽ không bao giờ phát triển được đâu vì là người giỏi nhưng hay cứng đầu, hay cãi cự lại sếp. Các bác ơi, vậy mà số công chức cắp ô này phải tồn tại ít nhất là 35 năm, chưa kể nếu nhà nước lại kéo dài tuổi về hưu. Không thể bỏ họ đi được vì gần như họ toàn trong diện “5C” (con cháu các cụ cả)” - Giang HaNoi:  Giang@gmail.com

 

 “Không hiểu tại sao số CBCC sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về nhan nhản mà báo cáo ít thế nhỉ? Nếu các vị có điều kiện, xin vi hành về tỉnh Gia Lai của chúng tôi để kiểm chứng. Đơn cử một cơ quan QLTT có cán bộ không có năng lực, làm việc không hiệu quả nhưng được cái là thuộc diện “5C” nên liên tục được bổ nhiệm đội phó, đội trưởng. Còn những người có năng lực, ai cũng ghi nhận nhưng ngặt nỗi không phải “5C” và không có "money" nên cứ 5, 10 năm vẫn ngồi nguyên vị trí cũ. Nhan nhản như thế, nhưng tỉnh không ai kiểm tra. CBCC bất bình nhưng thấp cổ bé họng không làm gì được. Rất mong Bộ Công Thương, các báo đài có điều kiện cử phóng viên thử ghé thăm cơ quan tôi xem thử có đúng không? Vi phạm rành rành, kiểm điểm theo tinh thần NQTW 4 mà vẫn không ai dám nói thẳng, nói thật vì… đấu tranh, tránh đâu?” - Phạm Quỳnh Ngân:  nganquynh@gmail.com

 

Thời hiện đại, không ít công chức còn không thèm cắp ô nữa mà... cưỡi tàu lượn, máy bay rồi nhảy dù xuống nữa kia. Vấn đề đã được nêu tới diễn đàn Quốc hội, nhưng hồi kết liệu có được như mong đợi hay không? Dân sốt ruột lắm rồi, song có lẽ vẫn lại… không vội được đâu?

 

“Cứ nêu ra thế nhưng có biện pháp nào khắc phục tình trạng này đâu? Nêu ra thì phải xử lý ngay người dân mới phục chứ!” - Mica:  changeofmica@gmail.com

 

Khánh Tùng