1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Bộ trưởng nhận trách nhiệm vì “10 năm chưa làm được gì nhiều”

(Dân trí) - Với câu hỏi truy vấn đầu tiên nhận được trên “ghế nóng” về việc chậm hình thành thị trường khoa học công nghệ, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân nhận ngay: “Đây là trách nhiệm của Bộ trưởng khi 10 năm qua chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy những tổ chức trung gian hình thành thị trường”.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) đặt câu hỏi đầu tiên, vì sao đến nay nước ta chưa có thị trường khoa học công nghệ (KHCN)? Phải chăng cơ chế phân bố đề tài, nguồn lực khiến cho thị trường chậm hình thành?

Bộ trưởng KH-CN nhận trách nhiệm vì 10 năm chưa làm được gì nhiều... (Ảnh: Việt Hưng)
Bộ trưởng KH-CN nhận trách nhiệm vì 10 năm chưa làm được gì nhiều... (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân thừa nhận, so với thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường giáo dục… thì thị trường KHCN thực sự chậm chân, đi sau. Tuy nhiên, đến nay, cơ bản môi trường pháp lý cho thị trường KHCN đã được hoàn thiện. Hiện chỉ còn một yếu tố để hình thành thị trường là định chế trung giản để nhà khoa học đến được với doanh nghiệp, người sản xuất.

Thiếu các tổ chức môi giới, đánh giá, định giá, kiểm tra, kiểm định nên các nhà khoa học không tìm được địa chỉ đầu tư cho nghiên cứu, áp dụng kết quả nghiên cứu của mình còn các doanh nghiệp cũng phải vật vã tự đi tìm công nghệ, giải pháp của mình.

Dấu hiệu tích cực theo Bộ trưởng KH-CN là mới đây các sàn giao dịch công nghệ, các chợ công nghệ (techmart)… đã hình thành, trở thành nơi để trao đổi, kết nối cung – cầu. Bộ KH-CN cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối như thế ở các địa phương để các nhà khoa học giới thiệu kết quả của mình với người có nhu cầu.

Một điểm khó khăn là các công ty tư nhân chưa chú trọng vấn đề này. Ông Quân cho biết đã đề xuất hình thành một định chế cho hoạt động này.

Ngoài ra, theo người đứng đầu ngành, cơ chế phân bổ kinh phí cũng là một yếu tố làm chậm hình thành thị trường công nghệ. Trong giai đoạn hiện nay, khó khăn về ngân sách, biên chế cũng đã cản trở việc hình thành những yếu tố trung gian thúc đẩy.

“Tuy nhiên tôi cũng nhận thức đây là trách nhiệm của Bộ trưởng KH-CN khi 10 năm qua chưa làm được gì nhiều để thúc đẩy những tổ chức trung gian hình thành thị trường. Tới đây chúng tôi sẽ tập trung vào khâu yếu nhất này” – Bộ trưởng Nguyễn Quân đáp lời đại biểu.

Câu hỏi thứ hai của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề cập tới chuyện các đề tài nghiên cứu hàng năm hầu hết xong rồi để "xếp ngăn kéo", nghiệm thu trên bàn. 1.300 tỷ đồng mỗi năm rót cho hoạt động nghiên cứu khoa học, theo đó, được đại biểu bình luận là “đầu tư không đúng người, đúng việc”.  

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, thực ra mỗi năm không chỉ có 1.300 tỷ đồng dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học vì tính ra xấp xỉ 2% ngân sách hàng năm phải tương đương trên dưới 3.000 tỷ đồng dành cho hoạt động này.

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đề tài xếp ngăn kéo cũng có nhiều loại.

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Đề tài "xếp ngăn kéo" cũng có nhiều loại.

Thuật ngữ đề tài "xếp ngăn kéo" thường được nghe, Bộ trưởng Quân giải thích, được chia thành 3 loại.

Loại đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản thì gần như đương nhiên là… xếp ngăn kéo vì đó là những bước đi trước thời đại, cần chờ thời điểm mới ứng dụng được. Ông Quân lấy ví dụ như chất bán dẫn được nghiên cứu thành công tại Mỹ từ rất sớm nhưng cũng phải xếp ngăn kéo đến gần 50 năm sau, khi người Nhật mua lại phát minh và đưa vào sản xuất. Từ đó đến nay thì chất bán dẫn đã mang lại giá trị tới gần 20.000 tỷ USD khi hầu hết các sản phẩm kỹ thuật đều có mặt của loại vật liệu này.

Loại đề tài thứ 2 phải xếp ngăn kéo là những đề tài ứng dụng mà kèm theo nó phải là hoạt động đầu tư, muốn trở thành sản phẩm được thương mại hoá thì phải được doanh nghiệp vào cuộc. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp của Việt Nam là nhỏ và siêu nhỏ nên hoạt động đầu tư KHCN chưa hiệu quả.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng xác nhận “có một số đề tài xếp ngăn kéo thực sự, tức là nghiên cứu xong rồi không ứng dụng được thật, nghiên cứu theo sở thích của người làm khoa học, không xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của sản xuất và kinh doanh”.

Với nhóm này, Luật KHCN 2013 đã có những nội dung quan trọng để khắc phục tình trạng này khi đề ra cơ chế “đặt hàng” nghiên cứu khoa học chứ không để nhà khoa học nghiên cứu theo sở thích, theo cảm tính của mình. Bộ KHCN cũng yêu cầu cơ quan đề xuất đặt hàng là khi nghiên cứu thành công thì phải sử dụng kết quả nghiên cứu.

Với câu hỏi “bao giờ chấm dứt tình trạng đề tài nghiên cứu xếp ngăn kéo này”, Bộ trưởng Nguyễn Quân đáp: “Nếu thực hiện nghiêm luật KHCN 2013, sẽ không còn những đề tài xếp ngăn kéo nữa”.
 

Việc trả lời chất vấn lần này là một dịp đặc biệt vì 4 nhiệm kỳ qua Bộ không có đại diện ở Quốc hội nên chúng tôi ít có cơ hội tham gia vào hoạt động nghị trường. Tôi xác định đây là một thách thức rất lớn với cá nhân vì KHCN luôn được coi là quốc sách hàng đầu, được kỳ vọng nhiều sẽ trở thành động lực của đổi mới, trọng tâm của công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trong khi đó, những kiến thức nhận thức của tôi còn rất hạn hẹp nên có thể không đáp ứng hết, không thoả mãn được các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thức đây là là cơ hội để Quốc hội và cử tri cả nước biết những việc chúng tôi đang làm, những thách thức chúng tôi phải trải qua và qua việc chất vấn chúng tôi tiếp tục xác định những việc mình phải khắc phục, hoàn thiện để đóng góp hơn nữa cho đất nước.

P.Thảo