1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng chuẩn bị gì cho lần đầu tiên lên “ghế nóng”?

(Dân trí) - “Xin” được trả lời chất vấn từ kỳ họp trước, lần này được Quốc hội chọn lên “ghế nóng”, Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân ấp ủ ý định thuyết phục để khẳng định, hàng chục nghìn tiến sĩ , nhà khoa học hiện tại không phải chỉ toàn những tiến sĩ giấy…

Bộ trưởng đã được chọn là một thành viên Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội tại kỳ họp này theo đúng nguyện vọng đã từng nêu. Tại kỳ họp trước, Bộ trưởng chia sẻ, muốn giãi bày với Quốc hội những bất cập, trăn trở trong ngành khi đội ngũ làm khoa học đóng góp được rất nhiều việc cho đất nước nhưng luôn mang tiếng mấy chục nghìn tiến sỹ mà không bằng mấy bác nông dân… Bộ trưởng dự định sẽ nói gì trước Quốc hội?

So với con số 2% tổng chi ngân sách hàng năm (tương đương khoảng 0,5% GDP quốc gia) đầu tư cho lĩnh vực Khoa học công nghệ (KHCN), trong đó có cả đầu tư cho phát triển, chi thường xuyên và hoạt động nghiên cứu, chúng ta có thể tạo ra được 3% GDP quốc gia. Như vậy thì chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) trong lĩnh vực này là 1/6, trái ngược với ICOR trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là 5/1. Có thể nói, một đồng đầu tư cho KHCN có hiệu quả gấp rất nhiều lần so với một đồng chúng ta đầu tư vào các lĩnh vực khác.

Với hiệu quả như vậy, tôi cho rằng với 2% ngân sách hàng năm, KHCN của Việt Nam đã làm được những sản phẩm, những đóng góp rất lớn cho GDP quốc gia. Những người làm KHCN Việt Nam thực sự đã vượt qua chính mình, đã rất nỗ lực đề có được những kết quả với sự đầu tư còn rất khiêm tốn của Nhà nước và của xã hội.
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân: Những người làm khoa học Việt Nam thực sự đã vượt qua chính mình.
Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân: "Những người làm khoa học Việt Nam thực sự đã vượt qua chính mình".

Dư luận ghi nhận những tâm huyết của Bộ trưởng với ngành thời gian qua nhưng bên cạnh tậm huyết, Bộ trưởng sẽ chứng minh, thuyết phục Quốc hội thế nào khi đóng góp như vậy vẫn là khiêm tốn, so với chính những quốc gia lân cận mà Bộ trưởng dẫn chứng. Làm sao KHCN tạo ra sức đột phá cho kinh tế đất nước như mục tiêu đề ra?

Nói chúng tôi chưa đóng góp xứng đáng cho nền kinh tế thì chưa hẳn đúng mà nói là chưa đóng góp tương xứng so với mong muốn của Đảng, Nhà nước và nhân dân thì đúng hơn. Chúng ta bao giờ cũng mong muốn KHCN đóng góp nhiều hơn còn đất nước phát triển được như vừa qua thì thực sự KHCN đóng góp rất lớn.

Không thể nói chúng ta có được con số ấn tượng về xuất khẩu gạo hay thuỷ sản mà không có dấu ấn của KHCN ở đây, từ vấn đề làm giống tới kỹ thuật nuôi trồng, chế biến… Viện lúa ĐBSCL là một viện được đánh giá tốt nhất thế giới và không phải ngẫu nhiên chúng ta trở thành một cường quốc về xuất khẩu gạo. Về thuỷ sản, năng suất tôm, cá ba sa của ta cũng vào loại nhất thế giới… Tất cả đó là kết quả của nghiên cứu KHCN.

Các lĩnh vực khác cũng vậy, không có KHCN, chúng ta không thể trở thành một nước hàng đầu thế giới về xây dựng nhà máy thuỷ điện. Nhà máy thuỷ điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á hiện nay hoàn toàn do chúng ta tự thiết kế, xây dựng trong thời gian kỷ lục. Trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, hệ thống rada của Việt Nam ta cũng tự nghiên cứu thiết kế, chế tạo với giá thành rẻ hơn nhiều so với thiết bị ngoại nhập mà đảm bảo khả năng bảo vệ vùng trời tổ quốc. Chúng ta cũng đang làm chủ công nghệ đóng tàu hộ vệ tên lửa để trang bị cho hải quân của mình…

Có thể nói KHCN đóng góp một cách rất xứng đáng, chỉ có điều kết quả đó vẫn chưa được như mong muốn. Việt Nam cần phát triển với tốc độ nhanh hơn nữa vì GDP tăng trưởng mới chỉ 5-6%/năm thì khoảng cách của ta với các nước ngày càng xa. Yêu cầu tăng trưởng nhanh, cao hơn thì KHCN phải đóng góp nhiều hơn nữa.

Bộ trưởng vừa nhắc đến lĩnh vực nông nghiệp. Được biết, đây cũng là một trong nhóm vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng trong phiên chất vấn tới. Việc này cũng gắn với câu chuyện thời sự hiện nay, khi người nông dân thì điêu đứng, nhiều cơ quan, Bộ ngành thì đau đầu với những trận thua liên tiếp của nông sản Việt Nam, từ gạo tới hưa hấu, hành tím, thanh long… Bên cạnh vấn đề thương mại, thị trường… nhiều người nhắc tới trách nhiệm của ngành KHCN. Trong khi Bộ trưởng nói gạo của Việt Nam đạt thành tích như thế thì thực tế chúng ta đang thua gạo Thái Lan về giống, về chất lượng. Các loại nông sản khác thì thua về vấn đề bảo quản, chế biến. Bộ trưởng sẽ giải thích thế nào với Quốc hội về vấn đề này?

KHCN có đóng góp rất quan trọng nhưng cần nhìn nhận là để kết quả nghiên cứu đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả thì cơ chế chính sách phải hết sức đồng bộ. Nói về gạo, nếu ta không sản xuất quy mô lớn, không thực hiện cánh đồng mẫu lớn, không cơ giới hoá và đưa KHCN vào thì giá gạo Việt Nam không bao giờ có giá cao được khi trong cùng một lô hàng xuất khẩu mà gạo của chúng ta có đến 5-7 loại, chất lượng rất khác nhau.

Hiện kết quả nghiên cứu về giống rất tốt, chúng ta tạo ra được nhiều loại giống quý, bảo vệ thực vật có nhiều chế phẩm rất tốt, bảo quản chế biến cũng nghiên cứu thành công nhiều phương pháp nhưng không đưa vào thực tế được. Nếu ai đã đến công ty Bảo vệ thực vật An Giang thì đều biết trung tâm này đã tạo ra được giống gạo Vbga3 (Vĩnh Bình omega 3) là loại được sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhật Bản, rất phù hợp với những người bị bệnh tiểu đường. Giá của nó cao gấp hàng chục lần so với giá gạo bình thường của chúng ta.

Hiện giá bán cho Nhật là 70.000 đồng/kg, tức khoảng 3,5 USD trong khi giá bán 1kg gạo trung bình trên thị trường xuất khẩu của chúng ta là 0,4 USD. Như vậy có thể thấy ta xuất khẩu 7-8 triệu tấn gạo/năm, đem về cho đất nước khoảng 3 tỷ USD thì nếu chuyển sang xuất khẩu gạo Vbga 3 này, chỉ cần 1 triệu tấn/năm là đủ mức doanh thu đó. Như vậy thì người nông dân không mất đi mồ hôi tương ứng với 7 triệu tấn gạo.

Thế trận liên kết 3 nhà: nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp dường như đang bị “kêu” nhất chính ở khâu thứ 2 này. Là người trong ngành, Bộ trưởng có chạnh lòng với đánh giá này?

Tôi không cho là nhà khoa học bị kêu nhiều trong mối quan hệ này. Vấn đề ở chỗ các nhà khoa học có sản phẩm, sẵn sàng chuyển giao nhưng để thực hiện được nó thì cần có sự đầu tư nhưng DN của ta hầu hết là DN nhỏ và siêu nhỏ, không đủ năng lực đầu tư. Vì vậy rất nhiều đề tài nghiên cứu không chuyển giao cho nông dân được và sau cùng chỉ khi nhà nước lại đầu tư thì mới đưa vào cuộc sống được.

Còn chuyện nông sản được mùa rớt giá, tôi tin rằng ở tất các quốc gia khác cũng đều gặp bài toán này. Nhiều nước phát triển khác họ cũng phải đem ra biển đổ đi nhiều sản phẩm vì không tiêu thụ được. Nếu không có DN đầu tư, các nhà khoa học nghiên cứu xong rồi cũng chỉ biết xếp kết quả và chờ đợi.

Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp nhưng nền khoa học nông nghiệp của Việt Nam lại chưa được nổi trội, chưa được điểm mặt nhắc tên. Nhiều người đặt câu hỏi, những nhà khoa học nông nghiệp thực thụ cùng lội ruộng với nông dân để nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo như GS Lương Định Của xưa kia nay đâu hết rồi?

Thực ra ngày xưa chúng ta rất ít người làm khoa học nên những người như ông Lương Định Của nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Còn đến giờ, cộng đồng khoa học của ta đông đảo hơn rất nhiều nên để nổi tiếng được không phải là chuyện đơn giản.

Nhưng cũng có thể nói khoa học nông nghiệp của ta không phải là kém cỏi so với thế giới. Bằng chứng như tôi đã nói ở trên, đến Viện lúa ĐBSCL sẽ thấy những nhà khoa học hàng đầu của khu vực về tạo giống ở đó. Những nhà khoa học về di truyền nông nghiệp của chúng ta cũng là những người hàng đầu. Năm qua, trong số các giải thưởng của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho lĩnh vực tạo giống thông qua đột biến phóng xạ, chúng ta đã giành được 3 giải thưởng…

Có thể nói, để nông nghiệp Việt Nam có được thành tựu, mặc dù còn rất khiêm tốn, như hôm nay, phải có sự đóng góp rất lớn của KHCN.

Bộ trưởng từng so sánh hệ thống KHCN của Việt Nam được tổ chức bài bản như thế trận chiến tranh nhân dân, có cả quân chính quy chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, ý là phủ kín hết các hướng, các lĩnh vực nhưng thực tế, thế trận đó chưa giúp đem lại chiến thắng cho đất nước, cho nền kinh tế. Như các phân tích của Bộ trưởng thì lý do là việc đầu tư cho KHCN chưa tương xứng?

Thực ra, để có được những Điện Biên Phủ hay Đại thắng mùa xuân 1975 trong kinh tế thì chúng ta chưa có được nhưng theo đánh giá của Quốc hội, của Chính phủ, suốt giai đoạn đổi mới vừa qua, chúng ta cũng đã có được những kỳ tích.

Còn yếu kém của KHCN hiện nay thì có 3 yếu tố mà ta phải cùng tập trung giải quyết, trong đó vốn đầu tư chỉ là một yếu tố. Vốn đầu tư cho KHCN hiện nay mới chủ yếu đến từ ngân sách, đầu tư xã hội hiện vẫn thấp hơn nhiều. Đó là một điểm bất hợp lý khó chấp nhận vì đáng ra đầu tư từ DN và xã hội cho lĩnh vực này thường phải lớn hơn 3-5 lần nguồn đầu tư từ ngân sách.

Tính tổng đầu tư xã hội của Việt Nam cho KHCN chưa đạt tới con số 2 tỷ USD/năm trong khi Hàn Quốc năm qua là hơn 50 tỷ USD, tức bằng 1/25 của họ mà dân số Việt Nam lại gấp đôi Hàn Quốc nghĩa là mức đầu tư trên đầu người của ta thấp hơn họ khoảng 50 lần.

Nói như thế để hiểu động lực khiêm tốn như vậy thì con tàu của chúng ta làm sao có thể chạy với tốc độ cao.

Xin cảm ơn Bộ trưởng và chúc Bộ trưởng thành công trong lần đầu tiên trả lời chất vấn!

P.Thảo (thực hiện)