Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: "Nhiều hồ đã đầy nước, bị sự cố sẽ là thảm họa"
(Dân trí) - Ảnh hưởng của bão số 12 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn tại nhiều địa phương khu vực Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Do đó, các hồ thủy điện và thủy lợi tại khu vực này đã cơ bản đầy nước. Tuy nhiên, trong các ngày tới, khu vực này được dự báo tiếp tục có mưa lớn, chính vì vậy, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã bày tỏ lo ngại: "Nhiều hồ đã đầy nước, bị sự cố sẽ là thảm họa".
Trước tình hình ngập lụt diễn ra diện rộng tại miền Trung, chiều nay (5/11), Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp khẩn ứng phó với mưa lũ và vận hành liên hồ chứa.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá, bão số 12 có cường độ tương đương với bão số 10 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ vừa qua, song lại đi thẳng vào Khánh Hòa – khu vực nhiều năm không có bão nên gây thiệt hại rất lớn về về người và của.
Đáng lưu ý, trước khi bão đổ bộ, dọc tuyến miền Trung đã có mưa to đến rất to do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh. Dự báo mưa to vẫn tiếp diễn 2-3 ngày tới khiến mực nước dồn về vẫn lớn hơn tốc độ xả.
Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương khi gửi các bản tin dự báo mưa, cần cho biết lượng mưa bình quân, nếu dự báo chung chung lượng mưa rất lớn sẽ không có số liệu tính toán được. Bên cạnh đó, yêu cầu phải dự báo hẹp, thời gian ngắn, tham khảo nhiều kênh.
Ngoài ra, ông Hoài cũng đề nghị Tâp đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương, các chủ hồ thường xuyên cung cấp các dữ liệu về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Ban chỉ huy các địa phương, vì vận hành liên hồ đã giao Chủ tịch UBND tỉnh.
Tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cảnh báo: Ở Bắc Trung Bộ, hồ chứa lớn đã đầy 70-90%, hồ chứa nhỏ 100% đã đầy nước. Nam Trung Bộ hồ chứa cũng trong tình trạng đầy 80-100%, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, vài ngày nữa 100% các hồ đầy nước.
Sau khi nghe báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo: “Chúng ta đang phải đối mặt với hiểm họa nguy hiểm, có thể lớn nhất từ trước đến nay trên toàn tuyến khi cả hồ và sông đều đầy nước".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tình hình thiên tai ở miền Trung đang rất nóng bỏng. Mưa lớn trong những ngày qua đã làm tất cả hồ thủy điện lẫn hồ thủy lợi đều trong tình trạng đầy nước. Nhiều lưu vực sông đã trên mức báo động 3, một số nơi trên báo động 3, thậm chí tiếp cận mức lũ lịch sử năm 1997. Nước lũ đã làm nhiều khu vực ở hạ du Trung Trung bộ và Nam Trung bộ bị ngập lụt trên diện rộng.
“Nhiều lưu vực sông đã vượt quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa”- ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng yêu cầu, để giảm thiểu thiệt hại xảy ra phải tổ chức giám sát, quản lý chặt chẽ các hồ chứa, thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa. Các Ban chỉ huy ở các địa phương phải thực hiện quyết liệt hơn tinh thần phòng chống úng ngập, lũ lụt.
Đặc biệt phải xây dựng các kịch bản ứng phó khi xả lũ từ các hồ chứa đã bị đầy nước, kể cả kịch bản xấu nhất, chủ động sơ tán dân ở vùng hạ du xảy ra xả lũ, không để tình trạng nước đến chân mới nhảy. Huy động tổng lực lượng tham gia ứng phó với các sự cố do do xả lũ và ngập lụt.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, tính đến chiều nay (5/11), bão số 12 đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người, 4 người sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải);
Nhà sập đổ: 1.015 nhà, tăng 389 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Bình Định 81 nhà, Phú Yên 113 nhà, Khánh Hòa 691 nhà, Đăk Lắk 113 nhà, Đắk Nông 14 nhà, Lâm Đồng 3 nhà).
Nhà tốc mái, hư hỏng: 43.611 nhà, tăng 3.907 nhà so với báo cáo nhanh sáng 5/11 (Quảng Ngãi 74 nhà, Bình Định 95 nhà, Phú Yên 12.577 nhà, Khánh Hòa 29.382 nhà, Ninh Thuận 46 nhà, Gia Lai 44 nhà, Đắk Lắk 1.321 nhà, Đắk Nông 12 nhà, Lâm Đồng 69 nhà).
Nguyễn Dương