Bộ trưởng Ngoại giao Việt - Trung gặp gỡ sau 20 năm ký Hiệp ước Biên giới
(Dân trí) - Đã 20 năm sau ngày Việt Nam - Trung Quốc ký Hiệp ước Biên giới (năm 1999), 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền giữa 2 nước...
Nhân dịp kỷ niệm này, ngày 23/8/2020, tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sẽ đồng chủ trì hoạt động kỷ niệm.
Cuộc gặp gỡ cùng tổ chức hoạt động kỷ niệm được đánh giá là sự kiện quan trọng để hai nước tổng kết, đánh giá các thành tựu, kinh nghiệm trong công tác phối hợp giữa hai bên sau 10 năm triển khai 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền và 20 năm ký Hiệp ước Biên giới Việt Nam - Trung Quốc cũng như việc hợp tác, phát triển tại khu vực biên giới; đề ra phương hướng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao hơn nữa công tác phối hợp quản lý giữa hai bên trên tuyến biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Ngày 30/12/1999, Hiệp ước Biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được 2 nước ký kết, đánh dấu kết quả cuộc đàm phán thuộc loại dài nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Từ năm 1949, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, miền Bắc Việt Nam được giải phóng, hai bên đã trao đổi ý kiến một số lần về vấn đề biên giới trên đất liền. Cuối năm 1957, Ban chấp hành Trung ương Đảng (khi đó là Đảng Lao động Việt Nam) đã gửi thư cho lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề quốc giới là một vấn đề quan trọng cần giải quyết theo những nguyên tắc pháp lý hiện có hoặc được xác định lại do chính phủ hai nước quyết định, nhất thiết cấm các nhà chức trách địa phương không đươc thương lượng với nhau để cắm lại mốc hoặc cắt nhượng đất cho nhau.
Nguyên tắc, căn cứ cơ bản đề ra đảm bảo tôn trọng đường biên giới lịch sử do 2 Công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895 hoạch định và đã được phân giới cắm mốc.
Năm 1958, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trả lời đồng ý.
Đến năm 1974, 1978 và 1979 - 1980, hai nước đã tiến hành 3 cuộc đàm phán về biên giới lãnh thổ cấp Thứ trưởng Ngoại giao nhưng không đạt được kết quả.
Sau chiến tranh biên giới, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, đến năm 1991, Việt Nam tiếp tục xúc tiến các cuộc đàm phán song phương nhằm đi đến một giải pháp lâu dài cho vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước.
Quá trình đàm phán khó khăn nhất xoay quanh 164 khu vực C là các khu vực có tranh chấp phức tạp hoặc có nhận thức khác nhau lớn hay có giá trị kinh tế quan trọng như Hữu Nghị quan, thác Bản Giốc, điểm cao 1509 tại Thanh Thủy, Vị Xuyên, Hà Giang.
Từ năm 1993 đến 1999, về đàm phán trên bộ đã có 7 vòng đàm phán cấp Chính phủ, 16 vòng đàm phán cấp chuyên viên, 3 vòng Nhóm soạn thảo Hiệp ước. Các cuộc đàm phán được kết lại rất quyết liệt.
Bản Ghi nhận chung kết quả giải quyết 164 khu vực loại C được ký của Nhóm công tác liên hợp về biên giới trên bộ giữa 2 nhóm được ký ngày 30/12/1999. Cùng ngày, bộ bản đồ đính kèm Hiệp ước được ký và buổi chiều hôm đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền tại Hà Nội vì đây đã là ngày cuối cùng theo thỏa thuận của lãnh đạo 2 nước để giải quyết biên giới trên đất liền.
Sau đó, để đưa đường biên giới từ Hiệp ước ra thực địa, Việt Nam và Trung Quốc đã phải tiến hành phân giới cắm mốc thêm 10 năm nữa. Năm 2009, hai bên mới chính thức hoàn thành cắm 1.970 cột mốc trên tổng chiều dài 1.449,566 km đường biên giới.