Bộ trưởng GTVT: “Tôi thực sự không tư túi tại BOT Cai Lậy”
(Dân trí) - Trước câu hỏi về trách nhiệm khi là người trực tiếp ký các quyết định triển khai dự án BOT Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) nhiều tai tiếng, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định: “Tôi không tư túi, không lợi ích nhóm trong dự án này”.
Chiều tối nay (18/1), cuộc họp báo của Bộ GTVT liên quan đến các dự án BOT diễn ra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham dự họp báo có đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Cảnh sát giao thông – Bộ Công an.
Tại cuộc họp báo, nhiều “điểm nóng” BOT gây bức xúc cho người dân trong thời gian qua được báo giới đề cập tới.
Đối với Dự án BOT Cai Lậy, báo chí đề cập, dự án có tổng mức đầu tư 1.398 tỷ đồng, việc thu phí bắt đầu từ đầu tháng 8/2017 nhằm hoàn vốn đầu tư cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang và đoạn qua thị xã Cai Lậy dài 11,1 km, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km. Tuy nhiên, mức phí và vị trí đặt trạm được cho là vấn đề khiến người dân phản ứng dẫn tới “vỡ” trạm và trạm phải tạm dừng thu phí cho đến nay.
Cần phải nói thêm rằng, khi còn giữ cương vị là Thứ trưởng, ông Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng GTVT) trực tiếp phụ trách dự án và ký các quyết định để triển khai dự án. Khi trạm thu phí BOT Cai Lậy “bùng nổ” do sự phản đối gay gắt của người dân, chính quyền tỉnh Tiền Giang từng đưa ra thông tin rằng dự án này do Bộ GTVT quyết định.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về trách nhiệm đối với dự án BOT Cai Lậy và có hay không sai phạm của cá nhân ông Nguyễn Văn Thể tại dự án, Bộ trưởng GTVT khẳng định: “Tôi thực sự không tư túi, không lợi ích nhóm trong dự án này, không có gì trong quá trình làm mà tôi bẻ cong, làm sai. Đó là sự thật”.
Theo ông Nguyễn Văn Thể, hiện nay các cơ quan thanh tra, kiểm toán, Ủy ban kiểm tra Trung ương đang vào cuộc rà soát, làm rõ các dự án BOT, trong đó có BOT Cai Lậy. Sắp tới các cơ quan chức năng sẽ có kết luận và phán quyết có sai sót hay không tại dự án.
“Địa phương nói không phối hợp nhưng từ khi lập dự án cho tới khi hoàn thành đều có sự thỏa thuận của địa phương. Mỗi khi điều chỉnh dự án hoặc thông qua quy mô, kỹ thuật đều có đại diện địa phương, có khi là Phó Chủ tịch tỉnh, có khi là Giám đốc Sở. Địa phương làm việc xuyên suốt với chúng tôi từ triển khai tới khi kết thúc dự án” - ông Thể cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng khẳng định, giải phóng mặt bằng cho dự án là do chính quyền địa phương làm. Đây là sự phối hợp cộng đồng trách nhiệm với nhau từ đầu tới cuối, không có chuyện Bộ Giao thông làm mà không ai biết. Còn bây giờ, khi có việc này việc kia thì phải ngồi lại với nhau để giải quyết, nếu giải quyết không được thì phải báo cáo Chính phủ.
“Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Bộ Giao thông không giải quyết cái này cái nọ, xin thưa vì vượt thẩm quyền. Để xin chủ trương làm BOT thì phải xin ý kiến của Chính phủ, ít nhất là Phó Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý cho làm BOT thì chúng tôi mới tổ chức triển khai, nghiên cứu và làm. Trong quá trình làm, chúng tôi phối hợp với các Bộ ngành cấp giấy chứng nhận đầu tư... Bây giờ muốn thay đổi thì phải có ý kiến tới Chính phủ chứ không phải ai muốn là được. Việc gì của Bộ GTVT thì Bộ sẽ giải quyết, việc gì quá thẩm quyền thì Bộ sẽ trình Chính phủ xem xét” - người đứng đầu Bộ GTVT thông tin.
Hiện nay mỗi ngày đêm có 26.000 lượt phương tiện qua trạm Cai Lậy. Tuy nhiên đã quá thời hạn quyết định phương án giải quyết vấn đề thu phí của dự án này nhưng Bộ GTVT vẫn chưa có động thái mới.
Về việc này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, xử lý vấn đề của một dự án phải xem xét tổng thể. “Ngày 4/12/2017, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu trong 1-2 tháng để tìm phương án giải quyết vấn đề của BOT Cai Lậy, chúng tôi cũng làm rất đầy đủ. Phương án phải giải quyết tổng thể các vấn đề trong khi mỗi phương án lại có những tác động nhất định. Vì thế, Thủ tướng giao Bộ GTVT và các bộ ngành khác tiếp tục rà soát. Hiện chưa biết Thủ tướng quyết định phương án nào, phải chờ” - ông Thể nói.
Châu Như Quỳnh