1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ trưởng GTVT "nợ" câu hỏi về tháo dỡ BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài

Hoài Thu Ngọc Tân

(Dân trí) - Trước câu hỏi của đại biểu Quốc hội về xử lý các trạm BOT gây bức xúc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu ra các khó khăn về hợp đồng, chưa thể khẳng định ngày dừng thu phí.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 7/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nhận được loạt câu hỏi về việc xử lý các dự án BOT giao thông.

Các đại biểu nêu ra 2 vấn đề: Bộ GTVT chậm thực hiện lời hứa xử lý trạm BOT gây bức xúc và việc đầu tư các tuyến đường mới khiến doanh nghiệp BOT đứng trước nguy cơ phá sản. 

Trễ hẹn xử lý trạm BOT gây bức xúc

Tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho biết sau phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Bộ trưởng GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ có Văn bản số 3763 ngày 27/6/2022 cam kết phá dỡ trạm thu phí BOT trên địa bàn Bình Dương và bàn giao 6km đoạn đường này cho địa phương quản lý. Tuy nhiên, cả hai việc này đến nay đều chưa được thực hiện.

Bộ trưởng GTVT nợ câu hỏi về tháo dỡ BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài - 1

Đại biểu Nguyễn Quang Huân chất vấn Bộ trưởng GTVT về tiến độ đóng cửa các trạm BOT gây bức xúc (Ảnh: Phạm Thắng).

Ngoài ra, đại biểu Huân cũng nhắc lại trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài tại Hà Nội vẫn chưa được dỡ bỏ. Trước đó, Nghị quyết 62 của Quốc hội khóa XV ghi rõ trong năm 2022 giải quyết dứt điểm những vướng mắc, bất cập về trạm thu phí dự án BOT.

Trả lời đại biểu Huân về dự án BOT tại Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ tiếp thu phản ánh của địa phương, khẳng định sẽ cho kiểm tra và xử lý ngay.

"Cam kết với đại biểu đã có văn bản là phải triển khai thực hiện. Nội dung này tôi xin phép sẽ kiểm tra và xử lý", ông Thắng khẳng định.

Về vấn đề trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài và một số trạm thu phí BOT khác chưa được dỡ bỏ, ông Nguyễn Văn Thắng không nêu ra thời điểm cụ thể dừng thu phí các trạm này. Ông cho biết còn nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến những hợp đồng ký kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các nhà đầu tư.

Bộ trưởng GTVT nợ câu hỏi về tháo dỡ BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài - 2

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng vẫn "nợ" câu trả lời về thời điểm dừng thu phí trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (Ảnh: Phạm Thắng).

"Chúng ta biết Nhà nước, doanh nghiệp rất bình đẳng khi đặt bút ký hợp đồng, cho nên trong quá trình xử lý chúng tôi rất cố gắng, nỗ lực, cũng có những trạm đã xử lý được rồi, nhưng có những trạm thì phải tiếp tục đàm phán", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Tư lệnh ngành giao thông cho biết căn cứ vào các hợp đồng đã ký thì khi mức doanh thu đến mức độ nào thì nhà nước phải mua lại và đây là điều khoản điều kiện trong hợp đồng, không phải chúng ta dành đặc quyền, đặc lợi cho doanh nghiệp.

Xây thêm đường, khó xử với doanh nghiệp BOT

Bên cạnh việc chất vấn về thời điểm đóng cửa trạm BOT để đảm bảo quyền lợi cho người dân, các đại biểu Quốc hội cũng nêu những khó khăn của doanh nghiệp BOT khi Nhà nước khai thác thêm các tuyến đường mới.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) cho biết nhiều doanh nghiệp đã chung tay đầu tư nâng cấp đường sá theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay một số doanh nghiệp không có khả năng hoàn vốn đầu tư do Bộ GTVT đầu tư bằng ngân sách nhà nước tuyến song hành hoặc tuyến tránh, làm phá vỡ phương án tài chính của dự án BOT.

Bộ trưởng GTVT nợ câu hỏi về tháo dỡ BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài - 3

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Bình Thuận thông xe và cho lưu thông miễn phí khiến tuyến đường BOT tại Bình Thuận ảnh hưởng (Ảnh: H.B.).

"Đơn cử như cử tri phản ánh nhà đầu tư ở Gia Lai đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 14 đoạn ở Đắk Lắk theo hình thức BOT, sau khi đưa vào sử dụng chưa được một năm, Bộ GTVT đầu tư từ ngân sách nhà nước tuyến tránh thị xã Buôn Hồ đi sau trạm thu phí của dự án này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh nghiệp", ông Lê Hoàng Anh nêu dẫn chứng.

Trước vấn đề đại biểu Lê Hoàng Anh nêu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT đã làm hết trách nhiệm, đã lập các đoàn công tác đi khảo sát ở các địa phương, hiện nay có các dự án BOT đang gặp vấn đề.

Tư lệnh ngành giao thông nêu thực trạng khi đưa các dự án cao tốc Bắc - Nam mới vào vận hành, nhiều doanh nghiệp BOT giao thông đã bị ảnh hưởng. Ở Bình Thuận, có doanh nghiệp BOT giảm 83% doanh thu sau khi cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo thông xe.

"Chúng tôi đang làm hết sức mình để làm sao tháo gỡ một cách triệt để, bảo vệ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đang đầu tư các dự án BOT nhưng do điều kiện khách quan bị ảnh hưởng", ông Nguyễn Văn Thắng khẳng định.