1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mong mọi người chia sẻ”

(Dân trí) - “Đổi giờ làm sẽ gây xáo trộn đời sống, chúng tôi rất áy náy, dù chỉ ảnh hưởng đến 1 người dân. Nhưng chúng tôi xin mọi người chia sẻ, thông cảm, hi sinh quyền lợi riêng vì lợi ích cộng đồng …”, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bày tỏ.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng “giải trình” trước những ý kiến làm “nóng” hội trường về vấn đề tai nạn, ùn tắc giao thông trong ngày thứ 2 thảo luận về tình hình KT-XH.

“Đổi giờ chỉ là giải pháp chắp vá”
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mong mọi người chia sẻ” - 1
Đại biểu Nguyễn Bá Thanh: "Đổi giờ học giờ làm khó khả thi" (ảnh: Việt Hưng).

Đại biểu Nguyễn Bá Thanh (Đà Nẵng) gay gắt cho rằng, hiếm nước nào trên thế giới quy mô dân số gần 90 triệu người mà năm nào cũng hơn 10.000 người chết. Số người chết nhiều nhất, theo ông Thanh chính ở quốc lộ 1A - trục đường huyết mạch của đất nước nhưng lòng đường quá nhỏ, giữa lại không có dải phân cách.

Gạt bỏ lý do thiếu vốn đầu tư, ông Thanh đặt câu hỏi nguồn tiền đâu để làm đường Hồ Chí Minh, ít phát huy tác dụng mà mùa mưa nào cũng sạt lở, lại phải đổ tiền sửa chữa. Chất lượng nhiều tuyến đường như cao tốc Sài Gòn – Trung Lương, vừa đưa vào sử dụng đã hỏng hóc, tai nạn thường xuyên, ông Thanh quy kết nguyên nhân cho “quân ta tự thiết kế, tự thi công”.

Nói về nguyên nhân tai nạn do ý thức người tham gia giao thông vẫn uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vi phạm luật… nhưng Bí thư thành ủy Đà Nẵng lật ngược lại vấn đề: “Sao không ai nói cần nâng cao nhận thức, đạo đức cho những trung tâm sát hạch lái xe. Việc đào tạo sơ sài rồi cấp bằng lái, cho ra lò những tài xế non tay nghề, gây ra không biết bao nhiêu vụ tai nạn nghiêm trọng, vậy nhưng cả nước chưa có cơ sở nào bị đóng cửa vì đào tạo kém chất lượng”.

Về các giải pháp để “xử” ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn đang gây nhiều tranh luận những ngày qua, ông Thanh thẳng thắn: “Nói đổi giờ học giờ làm cũng chỉ là giải pháp chắp vá, không mấy khả thi” .

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) gật đầu: “Bố trí lệch giờ làm việc không thể giải quyết triệt để ùn tắc mà chỉ giúp giãn mật độ tham gia giao thông giờ cao điểm”.

Bộ trưởng đang “ném đá ao bèo”!

Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cũng đặt vấn đề, hơn 1 thập kỷ qua cả hệ thống chính trị đã có nhiều nỗ lực để giải quyết tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông nhưng thực tế vẫn không như mong đợi. Tai nạn, ùn tắc giao thông vẫn là nỗi ám ảnh kinh hoàng hàng ngày của người dân.
 
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mong mọi người chia sẻ” - 2
Hà Nội chi 24 tỷ đồng cho việc phân làn đường lần này.

Ông Nam phân tích từ vấn đề hạ tầng giao thông, đâu đâu cũng thấy triển khai các dự án đường, cầu, sân bay, bến cảng. Nhiều dự án dở dang, chất lượng thấp, đầu tư 10 chỉ dùng được 2-3 phần. Trong khi đó, 36 năm sau ngày thống nhất đất nước, quốc lộ 1A vẫn chưa bao giờ hết phải nâng cấp, cải tạo “nhỏ giọt”. Đường sắt sau hơn 100 năm xuất hiện với khổ hẹp 1m, với hàng chục cầu chung, hàng ngàn đường giao nhau đến nay vẫn cơ bản như cũ. Việc bỏ rất nhiều tiền để kiên cố hóa hệ thống đường sắt này, theo ông Nam là kéo dài sự tụt hậu.

Về nguyên nhân bùng nổ phương tiện cá nhân, đại biểu đánh giá, tốc độ tăng đã vượt xa mức chịu đựng của hạ tầng. Cả nước hiện có 1,8 triệu ôtô, 35 triệu xe máy. Chỉ riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có thêm 155.000 xe máy, 28.000 ô tô. Ở 2 đô thị lớn, nhiều thời điểm trong ngày đã mất hoàn toàn khả năng kiểm soát giao thông. Chặn đứng tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân, ông Nam cho là việc làm cấp bách.

Về vấn đề quản lý, đại biểu Thanh Hóa cho rằng cần khắc phục ngay “bệnh… nhờn luật”, thay đổi cách thức hoạt động của lực lượng cảnh sát, thanh tra giao thông.

“Vừa qua báo chí có đăng tải một clip quay cảnh 1 người đàn ông dùng điếu cày điều hành giao thông thủ đô. Điều thú vị là chiếc điều cày phát huy tác dụng ở nơi người ta tranh chấp nhau từng centimet đường. Cảnh hỗn loạn, vô chính phủ bỗng trở nên nghiêm túc, dòng phương tiện đi vào lề lối, giải tỏa được ách tắc… Đối lập với hiện tượng trên là hình ảnh các thanh tra giao thông hiền lành và nhẫn nại đứng hướng dẫn phân làn nhưng rất ít người trong dòng người trên đường để ý đến họ” – ông Nam nêu dẫn chứng so sánh.

Ghi nhận những cố gắng thay đổi của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng thời gian gần đây nhưng đại biểu cũng cho rằng, thật khó khi định giảm phương tiện cá nhân mà cho làm thêm các nhà máy sản xuất xe máy, cho nhập các loại ôtô, linh kiện cá nhân; giảm áp lực cho nội thành mà vẫn thêm nhiều trường đại học ra đời, nhiều tòa nhà sức chứa hàng nghìn người vẫn xây thêm ở trung tâm thành phố.

“Bộ trưởng Giao thông dù có 3 đầu 6 tay vẫn sẽ là công cốc, là ném đá ao bèo” – ông Nam cảnh báo.

Áy náy dù chỉ làm ảnh hưởng 1 người
Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Mong mọi người chia sẻ” - 3
Bộ trưởng Đinh La Thăng: "Các giải pháp đều không phải sáng kiến của Bộ GTVT".

Đáp lại những ý kiến quan tâm, lo ngại, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng chia sẻ, những ngày vừa qua Bộ nhận được rất nhiều đóng góp của người dân, từ học sinh, cựu chiến binh tới những bà mẹ trẻ. Dù ý kiến khen ngợi động viên hay chỉ trích nặng nề ông Thăng đánh giá đều thể hiện trách nhiệm cao với đất nước, xã hội. Bộ trưởng GTVT ngỏ lời cảm ơn, ghi nhận.

Ông Thăng xác nhận, tình hình tai nạn, ùn tắc nghiêm trọng gia tăng chóng mặt những năm qua có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do yếu kém trong quản lý và ý thức của người tham gia giao thông.

Từ năm 2002, Chính phủ đã liên tiếp có nhiều Nghị quyết để cố gắng giảm thiểu tai nạn, ùn tắc. “Tất cả các giải pháp gần đây đưa ra chưa có gì là sáng kiến của Bộ GTVT mà đều đã được đề ra trong các Nghị quyết này” – Bộ trưởng khẳng định

Việc tổ chức lại giao thông như phân làn, phân đường, đổi giờ làm là để sắp xếp một cách hợp lý nhất, nhằm khai thác điều kiện hạ tầng hiện có tối ưu nhất.  

Biện pháp đổi giờ làm, ông Thăng xác nhận, sẽ thực sự gây xáo trộn đời sống một số người dân. “Dù chỉ gây tác động, làm ảnh hưởng đến 1 người dân, chúng tôi cũng rất áy náy nhưng xin mọi người chia sẻ, cảm thông hi sinh quyền lợi riêng vì lợi ích cộng đồng và khi hi sinh 1 cái nhỏ của mình, chính mỗi người cũng sẽ hưởng những lợi ích mang lại từ việc đó” – Bộ trưởng GTVT trần tình.

Đề cập đến những giải pháp căn cơ về cải thiện hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Thăng “thanh minh” tình trạng hàng loạt công trình, dự án đang dừng dở dang là vì cơ chế phân bổ vốn đầu tư hàng năm, năm trước ứng vốn năm sau. Năm nay, do chủ trương cắt giảm đầu tư công, các công trình của ngành giao thông đến tháng 4 đã hết tiền nhưng không được ứng vốn năm sau để triển khai tiếp. Ông Thăng xin được thông cảm khi nhiều dự án buộc phải dừng, giãn, chấp nhận một số công trình dở dang.

Đồng ý với quan điểm của nhiều đại biểu, Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật nhằm kiềm chế tai nạn, ùn tắc giao thông, nhất là ở Hà Nội, TPHCM và kêu gọi sự đồng thuận dư luận để thực hiện mục tiêu này.

P.Thảo