1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ trưởng Công Thương: Luật Điện lực sửa đổi không có lợi ích nhóm

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Luật Điện lực (sửa đổi) đề cập tới phát triển điện hạt nhân, cũng như đưa ra quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Chiều 21/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày trước Quốc hội về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo ông Diên, sau gần 20 năm thi hành, Luật Điện lực còn tồn tại một số vấn đề, chưa đáp ứng được thực tiễn và cần thiết phải sửa đổi, bổ sung cũng như đảm bảo đồng bộ với các luật liên quan.

"Dự thảo luật này không có nội dung trái Hiến pháp, các nội dung đề xuất công khai, minh bạch, không có chính sách trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.

Cần nghiên cứu, điều chỉnh một số vấn đề phát triển điện hạt nhân

Điểm mới tại dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này là đề cập tới phát triển điện hạt nhân. Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng các dự án nhà máy điện loại này, do đây là dự án quan trọng liên quan tới an ninh quốc gia.

Bộ trưởng Công Thương: Luật Điện lực sửa đổi không có lợi ích nhóm - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày tóm tắt dự án Luật Điện lực sửa đổi (Ảnh: Phạm Thắng).

Theo dự thảo luật, việc đầu tư xây dựng, vận hành và chấm dứt hoạt động, cũng như đảm bảo an toàn nhà máy điện hạt nhân phải tuân thủ quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định liên quan. Dự án điện hạt nhân phải sử dụng công nghệ hiện đại, có kiểm chứng nhằm đảm bảo an toàn cao nhất.

Bên cạnh đó, dự thảo luật quy định tùy thuộc tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ và dự án cụ thể, Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân có hiệu quả...

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho rằng, chính sách phát triển điện hạt nhân là vấn đề mới trong dự thảo luật.

Do đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương - cơ quan chủ trì - soạn thảo báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định quy định nội dung này và mức độ quy định trong dự thảo luật với phát triển điện hạt nhân.

Cơ quan thẩm tra cũng cho hay, việc dự thảo đưa ra nội dung "Thủ tướng quy định cơ chế đặc thù để đảm bảo triển khai đầu tư xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân" là không phù hợp về thẩm quyền theo Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, chỉnh lý cho phù hợp.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát, làm rõ quy định liên quan đến các lĩnh vực Nhà nước độc quyền đầu tư. Theo đó, chỉ quy định những nội dung thực sự cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo cơ chế thu hút xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư, giảm đầu tư công, tăng tính khả thi và quản lý nhà nước hiệu quả hơn.

Nhiều vấn đề về giá điện chưa rõ

Tại lần sửa đổi này, dự thảo luật đưa ra quy định giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước nhằm đảm bảo khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.

Bộ trưởng Công Thương: Luật Điện lực sửa đổi không có lợi ích nhóm - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Minh Châu).

Theo cơ quan thẩm tra, mặc dù Bộ Công Thương đã có báo cáo giải trình nhưng cơ quan thẩm tra thấy một số vấn đề chưa được làm rõ.

Đối với giá điện, cơ quan thẩm tra thấy chưa có quy định, nguyên tắc để minh bạch các thành phần của giá điện, trong đó có bao gồm các khoản hỗ trợ đối tượng chính sách, vùng sâu, vùng xa...

Cơ quan thẩm tra cho rằng, trước mắt các khoản này tiếp tục được hạch toán vào giá điện nhưng cần tách bạch cụ thể và có lộ trình dài hạn để tiến tới việc chi cho các khoản này được lấy từ ngân sách Nhà nước hoặc các nguồn tài chính khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, cơ quan thẩm tra đề nghị cần có chính sách để có cơ cấu nguồn điện hợp lý, lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ các dự án đầu tư, các nguồn điện sử dụng công nghệ lạc hậu hoặc gây ô nhiễm môi trường. 

Cơ quan thẩm tra cũng cho biết, có ý kiến cho rằng cần bổ sung chính sách ưu tiên đối với các dự án có tích hợp hệ thống pin lưu trữ (điện gió, điện mặt trời) phù hợp với bảo đảm an toàn hệ thống điện và giá điện hợp lý. Bổ sung quy định để đưa các nguồn điện năng lượng tái tạo tham gia thị trường điện.

Bên cạnh đó, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị, cần cụ thể hơn các chính sách cải cách giá điện một cách phù hợp, hướng tới việc thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh và rà soát các quy định về giá điện trong dự thảo luật để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Giá về thẩm quyền ban hành phương pháp định giá, về điều tiết giá điện.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật này theo quy trình một kỳ họp. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị thông qua luật tại 2 kỳ họp để có đủ thời gian dành cho việc nghiên cứu, thảo luận, bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.