"Lũng đoạn, thổi giá khiến việc mua bán đất chỉ diễn ra trong giới đầu cơ"
(Dân trí) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu thực trạng lũng đoạn, thổi giá đất khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân khó tiếp cận vì giá đất vượt quá khả năng chi trả.
Đây là một trong những tồn tại, hạn chế được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề cập trong phần thẩm tra báo cáo kinh tế - xã hội của Chính phủ.
Cơ quan thẩm tra ghi nhận tăng trưởng kinh tế năm 2024 phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%), được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát trong điều kiện tăng lương tối thiểu ở mức cao. Cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đã được Trung ương, Quốc hội cho phép.
Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế ghi nhận kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng điện có bước đột phá mới, minh chứng qua việc hoàn thành đưa vào khai thác thêm 109km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước đến nay lên hơn 2.021km.
Việc khánh thành dự án 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối sau hơn 6 tháng thi công cũng là một điểm sáng được cơ quan thẩm tra đánh giá cao.
Dù vậy, theo ông Vũ Hồng Thanh, tình hình kinh tế - xã hội còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.
Cơ quan thẩm tra cho rằng công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Cải cách thủ tục hành chính còn một số tồn tại; vẫn còn các quy định, thủ tục hành chính chậm được sửa đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
"Lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển", ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Theo Ủy ban Kinh tế, công tác lập và thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn một số hạn chế, bất cập; hồ sơ đề nghị xây dựng một số luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu, chưa đầy đủ theo đúng quy định; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định.
Bên cạnh đó, tính gối đầu của chương trình cho năm tiếp theo thấp dẫn đến việc phải bổ sung nhiều dự án vào chương trình. Một số dự án trình bổ sung sát với kỳ họp Quốc hội gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến.
"Có ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá việc xây dựng, ban hành một luật sửa nhiều luật cũng như ban hành nghị quyết không phải là quy phạm nhưng có chứa quy phạm pháp luật", báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra cho rằng tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc có nơi còn chưa nghiêm; tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc vẫn diễn ra.
Liên quan đến bất cập của thị trường bất động sản, ông Thanh chỉ ra thực tế cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Tình trạng "bỏ cọc" sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.
"Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả", ông Thanh nhấn mạnh.
Liên quan đến dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế lưu ý việc đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật.
"Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực, giải quyết, khắc phục điểm nghẽn, mở rộng không gian, tạo đà cho phát triển", ông Vũ Hồng Thanh nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý cần thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực.
Đi kèm với đó, cần hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí; quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ trong chuyển đổi để giảm thiểu lãng phí.