Cử tri lo lắng về tình trạng bạo hành đối với học sinh
(Dân trí) - Bộ Y tế chậm thực hiện quy trình về hoạt động tiêm chủng, Bộ GD-ĐT chưa thực hiện đúng cam kết với cử tri về các chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông khó khăn.
Sáng 21/10, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.
Cử tri nhiều nỗi lo về giáo dục, y tế
Ông Chiến cho biết, cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng vì cơn bão Yagi (bão số 3) gây thiệt hại rất lớn cho 26 tỉnh, thành phố phía Bắc; đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn, nguy cơ tái nghèo cao.
Cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước có chủ trương, giải pháp, chính sách căn cơ để đảm bảo an toàn cho nhân dân trước tác động lớn của biến đổi khí hậu.
Về giáo dục, ông Chiến cho hay, nhân dân băn khoăn khi cơ sở giáo dục công lập ở các thành phố lớn chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập; tình trạng vừa thừa vừa thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khả thi để khắc phục.
Cử tri cũng lo lắng về tình trạng bạo hành đối với học sinh, đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ em gái tại các cơ sở trông giữ trẻ mẫu giáo, mầm non.
Về y tế, cử tri và nhân dân cho rằng, còn thiếu danh mục thuốc bảo hiểm y tế; tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chưa rõ ràng, minh bạch, chất lượng chưa được kiểm soát, gây bức xúc; một số bệnh viện lớn đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, chưa đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân gây lãng phí.
Theo ông Chiến, nhân dân đánh giá cao, biết ơn và rất xúc động trước hình ảnh lực lượng vũ trang (quân đội, công an, dân quân tự vệ, an ninh cơ sở) gồng mình giúp đỡ dân phòng, chống bão lũ; qua đó góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.
"Trong khó khăn hoạn nạn càng sáng ngời bản chất anh Bộ đội cụ Hồ, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Tô đậm thêm truyền thống công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", ông Chiến nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay vẫn còn những lo lắng về tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn; tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng có xu hướng tăng; vẫn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy nổ, làm chết nhiều người.
Cũng theo báo cáo, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm tin tưởng sâu sắc vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Nội dung các bài viết, bài phát biểu và những chỉ đạo rất cụ thể của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận cao của cử tri, nhân dân và dư luận trong nước, quốc tế.
Giải quyết kiến nghị của cử tri còn một số hạn chế
Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri.
Qua đó thể hiện sự nghiêm túc, cầu thị và trách nhiệm, nhiều kiến nghị của cử tri đã được giải quyết, trả lời trước thời hạn, chất lượng giải quyết, trả lời ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, theo ông Bình, qua giám sát cho thấy việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn có một số hạn chế.
Ông Bình cho hay, cử tri nhiều địa phương phản ánh về việc thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi, có nguy cơ nhiễm bệnh cao.
Qua giám sát, ông Bình cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 98 ngày 10/7/2023 về việc bố trí ngân sách cho Bộ Y tế mua vaccine chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó xác định bảo đảm có vaccine sớm nhất là nhiệm vụ cấp bách.
Chính phủ giao Bộ Y tế trong tháng 7/2023 trình để ban hành nghị định mới về hoạt động tiêm chủng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Tuy nhiên đến ngày 5/2/2024, Nghị định số 13 sửa đổi Nghị định số 104 mới được ban hành; tháng 6 Bộ Y tế mới ban hành kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024. Ông Bình khẳng định việc này là "quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện".
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cũng cho hay, tình trạng thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra tại nhiều địa phương từ cuối năm 2022, đến thời điểm tháng 9 năm nay vẫn còn tồn tại.
Về giáo dục, ông Bình cho biết, từ kỳ họp thứ 7 đến nay, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nghiên cứu, trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116 quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 109 về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc.
Theo ông, trong thời gian qua, kinh tế - xã hội của đất nước không ngừng phát triển, đời sống của người dân đã được nâng lên nhưng chính sách hỗ trợ chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời. Đây cũng là ý kiến của cử tri kéo dài qua các nhiệm kỳ Quốc hội.
"Bộ GD-ĐT chưa thực hiện đúng cam kết về thời hạn giải quyết đã hứa với cử tri. Các kiến nghị này cần được nghiên cứu, tiếp thu nhằm giải quyết dứt điểm, tránh để cử tri tiếp tục kiến nghị trong các kỳ họp tới", ông Bình nêu.
Cơ quan giám sát kiến nghị Bộ này khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách hỗ trợ nêu trên.