Bộ trưởng Công an quyết định danh mục bí mật nhà nước độ “Mật”
(Dân trí) - Vào quý I hàng năm, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, địa phương mình đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt ban hành.
Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo lần 3 Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 33/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.
Theo đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức đối chiếu để xác định phạm vi bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật”, “Tối mật”, “Mật” của cơ quan, đơn vị, báo cáo theo hệ thống dọc đến người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập hợp, xem xét lập danh mục bí mật nhà nước theo quy định. Danh mục bí mật nhà nước độ “Tuyệt mật” và “Tối mật” được gửi đến Bộ Công an để thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Danh mục bí mật nhà nước độ “Mật” gửi Bộ trưởng Bộ Công an quyết định.
Trên cơ sở đề xuất của người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm ban hành danh mục chung dùng cho tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và danh mục bí mật nhà nước của từng cơ quan, tổ chức ở Trung ương.
Vào quý I hàng năm, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, địa phương mình đã được cấp có thẩm quyền xét duyệt ban hành. Trường hợp thấy danh mục không còn phù hợp, cần thay đổi độ mật, cần giải mật hoặc xác định những nội dung mới cần được bảo mật thì làm thủ tục trình cấp có thẩm quyền quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục bí mật nhà nước hoặc thay đổi độ mật, giải mật danh mục bí mật nhà nước của cơ quan, tổ chức, địa phương mình.
Theo dự thảo thông tư, căn cứ vào danh mục bí mật nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, người soạn thảo phải đề xuất độ mật của từng văn bản tại tờ trình duyệt ký văn bản; người duyệt ký văn bản có trách nhiệm quyết định việc đóng dấu độ mật (Tuyệt mật, Tối mật, Mật), phạm vi lưu hành, số lượng bản phát hành; văn thư của cơ quan, đơn vị, địa phương có trách nhiệm đóng các loại con dấu trên theo sự chỉ đạo của người duyệt ký tài liệu bí mật nhà nước.
Tài liệu, vật mang bí mật nhà nước sau khi xử lý xong phải được phân loại, lưu giữ vào hồ sơ, cất vào tủ, hòm hoặc két sắt, không được tự động mang ra khỏi cơ quan. Trường hợp cần thiết phải mang tài liệu, vật mang bí mật nhà nước đi công tác, mang về nhà riêng thì phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, phải đăng ký với bộ phận bảo mật và có phương án bảo mật chặt chẽ.
Mọi trường hợp khi phát hiện tài liệu, vật mang bí mật nhà nước bị mất, tráo đổi, hư hỏng hoặc bí mật nhà nước bị lộ lọt phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để có biện pháp giải quyết kịp thời.
Dự thảo quy định thẩm quyền giải mật tài liệu lưu trữ lịch sử do người đứng đầu cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn thư, lưu trữ quyết định và thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại thông tư này. Đối với các tài liệu lưu trữ lịch sử thuộc độ “Tuyệt mật” liên quan đến lĩnh vực Công an, Quốc phòng, Ngoại giao thì trước khi tiến hành giải mật cơ quan lưu trữ phải có trách nhiệm xin ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan trước khi báo cáo lãnh đạo cơ quan quyết định.
Tài liệu lưu trữ có nội dung bí mật nhà nước khi nộp lưu vào Kho lưu trữ Trung ương Đảng và tài liệu của Kho Lưu trữ Trung ương Đảng được giải mật theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thế Kha