Bộ trưởng Công an: Một tin sai sự thật có thể gây hại nhiều nghìn tỷ đồng

Hoài Thu Bạch Huy Thanh Lê Hoa

(Dân trí) - Báo cáo thêm những vấn đề liên quan, Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang cho biết hậu quả của tin giả, tin sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, là mối đe dọa đến kinh tế xã hội.

Chiều 12/11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Cuối phiên chất vấn sáng cùng ngày, chủ tọa điều hành phiên họp đã mời 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị cho biết việc quản lý và kiểm soát nội dung trên các nền tảng số xuyên biên giới gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về pháp lý và công nghệ.

"Bộ Thông tin và Truyền thông có kế hoạch gì để tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm nhằm để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời bảo vệ lợi ích quốc gia trên không gian mạng", đại biểu chất vấn.

Ông cũng đề nghị Bộ trưởng cho biết thực trạng, trách nhiệm và giải pháp xử lý vấn đề này.

Bộ trưởng Công an: Một tin sai sự thật có thể gây hại nhiều nghìn tỷ đồng - 1

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn (Ảnh: Hồng Phong).

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho biết hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông ngày càng tăng cao và yêu cầu về chất lượng dịch vụ ngày càng khắt khe.

Trong khi đó, doanh nghiệp viễn thông đang gặp khó khăn trong việc xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng di động khi nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, người dân phản đối không cho doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm thu phát sóng trong khu dân cư nhằm tăng tốc triển khai hạ tầng viễn thông trên toàn quốc.

"Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng người dân khiếu kiện, phản đối lắp đặt các trạm trên và giải pháp khắc phục thực hiện thời gian tới như thế nào?", đại biểu chất vấn.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) hỏi về kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông để khắc phục tình trạng sự cố cáp quang biển xảy ra thường xuyên, ảnh hưởng đến kết nối Internet quốc tế và gây gián đoạn cho người dùng mạng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) chất vấn về những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học chuyên ngành báo chí. "Nếu điều này là cần thiết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tham mưu cho Chính phủ những giải pháp cụ thể nào?", bà Nga đặt câu hỏi.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) nhấn mạnh một trong những yếu tố quan trọng nhất của báo chí chính là con người, có người làm báo giỏi thì mới có bài báo hay.

Tuy nhiên, theo bà, sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội hiện nay đã tạo ra sức ép vô cùng lớn đối với các cơ quan báo chí. Lực lượng làm báo chí chưa thích ứng kịp thời với môi trường truyền thông số cùng với nhận thức chưa kịp cập nhật về bản chất và nguồn gốc sức mạnh của báo chí nên nội dung và hình thức thông tin báo chí còn đơn điệu, nghèo nàn.

Trong khi đó, nhu cầu tiếp nhận chủ động, chia sẻ, kết nối và tham gia sáng tạo của cộng đồng công chúng lại ngày càng gia tăng nhanh chóng.

"Bộ trưởng nhìn nhận ra sao về vấn đề này và có những yêu cầu gì đối với đội ngũ người làm báo để nâng cao chất lượng của ngành báo chí trong bối cảnh thời đại số hiện nay", đại biểu chất vấn.