Bộ trưởng có nắm được đường dây chạy sổ đỏ ở Hà Nội?
(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội dẫn chứng một khu chung cư tại Hà Nội, phí “bôi trơn” làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ. Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang xác nhận có tình trạng nhũng nhiễu khiến tiến độ cấp sổ đỏ chậm trễ nhưng tình trạng “bôi trơn” với chung cư đã giảm nhiều…
Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường “mở hàng” phiên chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề cập việc Hà Nội có nghị quyết 30 về việc thúc tiến độ cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, kết quả đến nay vẫn hạn chế, khó đạt được mục tiêu hoàn thành việc này vào 2015 đã đề ra.
Trong khi đó, người dân thì phản ánh tình trạng khá phổ biến về tiêu cực, tham nhũng, bôi trơn trong việc cấp sổ đỏ, nhất là tại các khu chung cư. Thực tế có nhiều dự án đã hoàn thành và bàn giao cho người dân sử dụng hàng năm mà không nói gì đến sổ đỏ.
Theo phản ánh của người dân tại khu đô thị Mễ Trì Thượng, phí “bôi trơn” để làm sổ đỏ là 8 triệu đồng/hộ, thu tiền kiểu trao tay, không giấy tờ. Quy trình làm sổ rất mập mờ vì không làm riêng lẻ từng hộ mà thực hiện 1 lượt với toàn bộ toà nhà, người nào chấp nhận chi tiền bôi trơn thì nhận được sổ, gia đình nào không chịu nộp thì tiếp tục… chờ.
Ông Cương đặt câu hỏi, nghi ngờ của người dân là có đường dây chạy làm sổ đỏ như thế rất có căn cứ, Bộ TN-MT có nắm được việc này?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định đã có báo cáo tương đối đầy đủ, sau khi có Nghị quyết 30, Hà Nội đã hoàn thành cấp sổ đỏ hơn 80%. Tuy nhiên việc cấp sổ tắc, chậm trễ, kéo dài có nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nhũng nhiễu.
Với các đô thị như Hà Nội, TPHCM như các phương tiện thông tin đã nói, tại nhiều chung cư, việc cấp sổ đỏ có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Sau khi nhà đã bàn giao thì việc làm sổ đỏ cho người mua nhà lại dậm chân vì chủ đầu tư nhận tiền xong là coi như phủi tay, hết trách nhiệm.
Bộ trưởng TN-MT khẳng định, Bộ đã cử nhiều đoàn công tác xuống làm việc với Hà Nội về việc này. Vì vậy, tình hình đến nay, ông Quang quả quyết, đã cải thiện hơn rất nhiều. Bộ cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn địa phương để tìm thêm giải pháp.
Ngoài ra, việc này còn liên quan đến thủ tục hành chính. Thủ tục quy định của Bộ đã được rút ngắn rất nhiều nhưng vấn đề là các địa phương, văn phòng đăng ký đất đai áp dụng thế nào.
Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) tiếp lời, nhiều cử tri nói rằng việc cấp sổ đỏ ở các khu chung cư có rất nhiều vấn đề. Điều làm bà An băn khoăn là UBND Hà Nội báo cáo, những vấn đề đó đã được giải quyết cơ bản, thành phố cũng báo cáo việc này lên Bộ TN-MT rồi. Vậy nên việc Bộ trưởng khẳng định có hiện tượng nhũng nhiễu, theo bà An là mâu thuẫn với nhận định trước đó. Bà An đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thẩm định lại thông tin về việc này để đại biểu có căn cứ báo cáo cử tri.
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang “khất” sẽ trả lời lại vấn đề này bằng văn bản.
Như vậy, kết quả cấp sổ lần đầu của cả nước được khẳng định đã đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, một số tỉnh còn một số loại đất chưa hoàn thành cơ bản việc cấp giấy. Nhiều địa phương do chưa có bản đồ địa chính, khó khăn về kinh phí và nhân lực nên phải tận dụng các bản đồ, tài liệu đo đạc khác hiện có hoặc chỉ đạo đo đạc bằng phương pháp đơn giản để cấp giấy, do đó, độ chính xác không cao và sẽ phải thực hiện đo đạc lại và cấp đổi lại sổ.
Nhiều địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, dẫn đến thay đổi, phải thực hiện đo đạc, chỉnh lý lại bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp đổi sổ. Tình trạng tồn đọng sổ đã ký nhưng người sử dụng đất chưa đến nhận ở một số tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều.
Tới đây, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát cho đến khi hoàn thành mục tiêu đề ra, chú trọng rà soát, thống kê các trường hợp tồn đọng; giao chỉ tiêu cấp sổ đỏ gắn với việc bố trí kinh phí cho từng huyện, xã để thực hiện; cải cách thủ tục cấp sổ; đẩy mạnh kiểm tra, chỉ đạo; tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai, ưu tiên cho các xã, huyện có số lượng chưa cấp sổ lần đầu, các xã đã dồn điền, đổi thửa, các xã đã sử dụng các tư liệu có độ chính xác chưa cao để cấp mới, cấp đổi, cấp lại. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp quản lý biến động đất đai; chú trọng các giải pháp kiểm tra, xử phạt hành chính các trường hợp biến động không làm thủ tục theo quy định.
Phó trưởng Ban Dân nguyện Bùi Nguyên Suý đề cập việc người dân ở 3 xã tại Văn Giang - Hưng Yên bị thu hồi đất liên quan đến dự án khu đô thị Ecopark hiện vẫn đang khiếu kiện.
Trước đây, Bộ TN-MT đã nói đến việc sẽ kiến nghị thu hẹp dự án khu đô thị này để hạn chế việc thu hồi đất của người dân, bà An băn khoăn “kiến nghị đó đã đi đến đâu”?
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, Bộ TN-MT đã gửi báo cáo, kiến nghị về việc này lên Chính phủ nhưng Thủ tướng không đồng ý nên dự án vẫn đang triển khai. Vụ việc hiện không còn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ TN-MT. Thủ tướng đã giao cho Thanh tra Chính phủ xem xét. Năm ngoái, người dân Văn Giang vẫn nhiều lần kéo đến trụ sở Bộ TN-MT để khiếu kiện nhưng đến giờ tình hình này đã chấm dứt. |
P.Thảo