1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Bộ trưởng Cao Đức Phát: “Sử dụng chất cấm là một tội ác”

(Dân trí) - Trả lời đại biểu Quốc hội sáng nay 3/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết 9 tháng đầu năm 2015, tỷ lệ mẫu thực phẩm sử dụng chất cấm vượt ngưỡng còn cao, chưa có cải thiện so với năm 2014.

 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

 

Theo ông Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận thức rõ yêu cầu bức thiết của nhân dân về an toàn vệ sinh thực phẩm nên đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành và phối hợp triển khai đồng loạt nhiều giải pháp.

Tuy nhiên kết quả giám sát 9 tháng đầu năm 2015 cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm còn cao, chưa cải thiện so với năm 2014.

Trong đó, thủy sản có 1,01% mẫu có hóa chất và kháng sinh vượt ngưỡng; rau có 10,3% có hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng; thịt có 7,6% mẫu có hóa chất kháng sinh vượt ngưỡng và 16% mẫu có chứa Salmonella vượt ngưỡng (chất tạo nạc).

Chính vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động cao điểm hành động để chấn chỉnh tình hình và rút kinh nghiệm làm tốt hơn cho những năm tiếp theo, trong đó đặc biệt chú ý tới việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

“Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã giảm, đặc biệt khu vực xung quanh TPHCM, nhưng vẫn còn. Việc kiểm tra thịt, hay nước tiểu con heo chỉ là cái ngọn thôi, nên chủ trương xóa bỏ các đường dây phi pháp này”- ông Phát nói.

Đồng ý với quan điểm của đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) về đấu tranh với chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi còn coi việc sử dụng chất cấm là một tội ác”.

Thương lái ép người chăn nuôi sử dụng chất cấm

“Chia lửa” với Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chất Sabutamon (chất tạo nạc) là dược phẩm rất cần thiết để điều trị cho người. Quy trình về quản lý các dược phẩm khá chặt chẽ, từ nhập khẩu nguyên liệu đến sản xuất kinh doanh, phân phối sử dụng đều phải theo đơn.

“Trong quá trình sử dụng, các nhà nhập khẩu đều có báo cáo theo hóa đơn và các hợp đồng. Về thông tin ngành y tế cho nhập khẩu 65 tấn, thông tin này là không chính xác vì chỉ cho nhập khẩu 3,5 tấn. Có khả năng thương lái hoặc doanh nghiệp mua các thành phẩm của các hiệu thuốc nghiền ra để cho vào thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên việc này cũng khó, bởi lẽ quy trình sản xuất thì được quản lý chặt, giá thành mua các thành phẩm đó rất cao”- bà Tiến nói.

Theo bà Tiến, người chăn nuôi muốn có lợi nhuận, đạo đức kinh doanh không được coi trọng nên cho những chất cấm vào thức ăn gia súc. Qua phối hợp điều tra với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, thương lái ép buộc người dân nếu muốn bán sản phẩm chăn nuôi giá thành cao thì phải cho chất tạo nạc.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết đã, đang và sẽ làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như các bộ ngành, địa phương để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa trước quy trình nhập khẩu, kinh doanh sản xuất và tổng thanh tra toàn diện về vệ sinh thực phẩm.

“Chúng tôi cũng đề xuất tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra rất quyết liệt từ liên ngành đến các địa phương. Đợt thanh kiểm tra dịp Tết Trung thu cũng như đợt kiểm tra thời gian Tết Nguyên đán cho thấy, số mẫu vi phạm thời gian qua đã giảm từ 10 - 30% trên các mặt hàng nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề lớn, mong Quốc hội, Chính phủ và các địa phương phối hợp. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ đề xuất các chính sách kể cả về bộ máy”- bà Tiến khẳng định.

Trước đó, chiều 2/11, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) khẳng định chống việc nhập khẩu, sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi phải được coi như đấu tranh với tội phạm ma túy.

“Tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã cho nhập khẩu 68 tấn tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi. Hôm nay tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng sử dụng chất diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”- ông Đương "tha thiết" yêu cầu.

 

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm