Yêu quê hương thì đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt!
(Dân trí) - “Hôm nay tôi kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng sử dụng chất diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương nói.
Phát biểu tại hội trường Quốc hội chiều 2/11, ông Đỗ Văn Đương cho biết ông tán thành với 9 nhóm hạn chế yếu kém và những ý chí, quyết tâm chính trị trong các giải pháp mà báo cáo của Chính phủ nêu ra nhằm phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên để đạt được những mục tiêu đó, ông Đương cho rằng cần phải thực hiện nhiều giải pháp. “Chúng ta phải đấu tranh quyết liệt với mặt trái, mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Trong kinh tế thị trường không thể mạnh ai người đấy làm, phải cạnh tranh lành mạnh, không được gian dối, phải thu nộp đủ thuế cho ngân sách, chống ô nhiễm môi trường. Không phải cứ có khu đất vàng là xin phép xây dựng trái phép nhà cao tầng để bán kiếm lời, phá vỡ cảnh quan đô thị”- ông Đương nói.
Đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết việc xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội tới đâu, ông Đỗ Văn Đương nêu quan điểm: “Phải chăng vượt phép tới đâu phải cắt tới đó để làm gương”.
Ông Đương khẳng định các doanh nghiệp lấy đất làm dự án, kinh doanh thủy điện phải đền bù thỏa đáng cho người dân, phải tạo công ăn việc làm cho họ. Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải trả đồng lương cho người lao động thỏa đáng, đừng trả cho họ đồng lương rẻ mạt và cho họ ăn đồ ôi thiu, ngộ độc thực phẩm.
“Các thành phần kinh tế được tự do làm giàu nhưng phải chia sẻ lợi ích vì ai đã hi sinh xương máu để có tự do độc lập? Ai canh giữ biên cương hải đảo, ai giữ gìn an ninh trật tự để có môi trường yên ổn làm ăn? Rồi biết bao người nghèo chưa đủ cơm ăn áo mặc? Nhà nước định hướng xã hội chủ nghĩa phải biết điều tiết lợi nhuận, chống tích tụ tài sản vào một nhóm người. Nhà nước phải điều hòa các nhóm lợi ích, bảo vệ quyền lợi của người dân, đầu tư phát triển kinh tế thị trường. Đó mới là nhà nước của dân, do dân, công bằng văn minh”- ông Đương nói.
Chống chất cấm trong chăn nuôi như đấu tranh với ma túy
Đại biểu Đỗ Văn Đương khẳng định chống việc nhập khẩu, sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi phải được coi như đấu tranh với tội phạm ma túy.
“Hôm nay tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế làm rõ trách nhiệm của người đã cho nhập khẩu 68 tấn tạo nạc, chất cấm trong chăn nuôi. Hôm nay tôi cũng kính đề nghị các bác nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng sử dụng chất diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường. Vì yêu quê hương đất nước đừng biến khoai Trung Quốc thành khoai Đà Lạt”- ông nói.
Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực, ông Đương cho rằng chúng ta phát triển kinh tế thị trường nhưng việc sử dụng đào tạo sử dụng nguồn nhân lực còn theo nếp cũ, chưa đáp ứng yêu cầu tình hình lao động.
“Có doanh nghiệp nhận hàng trăm hồ sơ nhưng khi cho vào vận hành máy móc thì chỉ tìm được có một người. Sinh viên ra trường giấu bằng đại học đi làm thợ xây phụ hồ, đánh giày, bán báo thế thì đào tạo đại học làm gì cho lắm. Nhân đây tôi khuyên các em đã tốt nghiệp phổ thông và gia đình đừng nặng tâm lý vào đại học, thiết thực cho đi học nghề, trưởng thành từ thực tiễn rồi sau này nâng tầm kiến thức sau”- ông Đương nhắn nhủ.
Từ đây, đại biểu Quốc hội đoàn TPHCM đề nghị từ năm 2016 mở rộng các trường thực nghiệm, thực hành, giảm dần các trường đại học, để tạo ra con người nói được, viết được, làm được. Cơ sở đào tạo dạy nghề phải đổi mới, nâng tầm để ký kết với doanh nghiệp dạy cho công nhân, ngư dân cách bảo quản khai thác thủy sản, dạy cho nông nhân cách chăm sóc vật nuôi cây trồng công nghệ cao, sạch.
Bên cạnh việc đề nghị tuyển chọn công chức có tính cạnh tranh, công khai minh bạch thông qua cống hiến của họ mà xã hội nhìn thấy, đừng chọn người nói thì hay nhưng làm thì tìm mọi cách xoay sở, ông Đương yêu cầu các cấp ngành cương quyết chống bệnh ăn xổi ở thì, nếu còn một ngày làm công chức thì cũng phải tận tụy.
“Đề nghị Quốc hội năm 2016 ban hành luật công vụ, xác định các chức danh và vị trí việc làm, chống loại bỏ công chức ăn bám thì mới có điều kiện tinh giản được biên chế. Để chống thất thu ngân sách, chống lãng phí giảm nợ công tôi đề nghị Chính phủ quyết liệt chỉ đạo Bộ Tài chính áp dụng mọi biện pháp để từ nay tới cuối năm và sang năm 2016 thu thuế cho bằng được 34.000 tỉ đồng mà doanh nghiệp phải nộp nhưng chây ỳ chưa nộp”- ông nhấn mạnh.
Lấy vụ Giang Kim Đạt làm bài học thu hồi tài sản tham nhũng
Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị Quốc hội cho sửa Luật Thanh tra theo hướng cho phép cơ quan thanh tra được trực tiếp thu hồi tài sản mà mình phát hiện ra, không phải kiến nghị lòng vòng.
“Chẳng hạn năm 2015 thanh tra phát hiện, kiến nghị thu hồi trên 52.000 tỷ đồng và 1.800 ha đất; nếu số đó mà thu hồi ngay được thì đỡ phải đi vay, lại có tiền đầu tư phát triển. Luật pháp phải cho cơ quan điều tra áp dụng biện pháp đặc biệt để phát hiện, thu giữ tài sản tham nhũng. Hãy lấy kinh nghiệm vụ Giang Kim Đạt trong vụ Vinashin để mà xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế, săn tìm tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài”-ông nói.
Đồng thời với đó, những người trúng cử ở các vị trí đứng đầu các bộ ngành, địa phương trong nhiệm kỳ 2016-2020 phải có lời hứa và trong chương trình hành động của mình phải có nội dung chống tham nhũng, lãng phí trước hết từ bản thân để làm gương cho người khác.
“Từ năm 2016 trở đi, tất cả những mỏ vàng bạc, than sắt, cát sỏi,... đều phải đấu thầu, thu tiền về ngân sách. Tại sao lại cấp giấy phép cho người này người khác, cứ xúc tài sản trong lòng đất, dưới lòng sông lên để bán lấy tiền bỏ túi mình. Đó là rút ruột quốc gia làm suy yếu đất nước. Phải điều tra truy tận cùng chính quyền nào cấp giấy giấy phép như vậy. Giống như tỉnh Đồng Tháp, đã bỏ tù chủ tịch huyện đã cấp giấy phép khai thác cát trái phép”- ông Đương thẳng thắn nêu kiến nghị.
Thế Kha