1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bổ sung nhiều chế độ, chính sách cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy

Văn Yên

(Dân trí) - Theo dự thảo luật PCCC&CNCH, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù khi huấn luyện, chế độ theo danh mục ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.

Theo Cục Cảnh sát PCCC&CNCH (Bộ Công an), tại Điều 47, dự thảo luật PCCC&CNCH quy định về trang phục, phù hiệu, cấp hiệu và chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH như sau:

Sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH được trang bị trang phục, phù hiệu, cấp hiệu theo quy định của pháp luật về CAND và được trang bị trang phục chuyên dùng để thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Bổ sung nhiều chế độ, chính sách cho cảnh sát phòng cháy chữa cháy - 1

Cảnh sát PCCC&CNCH xuyên đêm chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn tại vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng ở tòa chung cư mini ở số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (Ảnh: Trần Thanh).

Ngoài ra, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH được hưởng chế độ, chính sách bao gồm: chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về CAND; chế độ bồi dưỡng khi thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC&CNCH; thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; khi chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

Chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH cũng sẽ được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù khi huấn luyện, thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phương án cứu nạn, cứu hộ và trực tiếp chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ;

Chế độ theo danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật;

Ngoài ra, sĩ quan, hạ sĩ quan điều khiển, vận hành phương tiện chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ, chính sách như sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ theo pháp luật về CAND.

Trước đó, ngày 1/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật PCCC&CNCH. Dự thảo luật bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, CNCH tại khoản 2 Điều 47 và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Quy trách nhiệm chủ đầu tư, chủ hộ gia đình trong PCCC&CNCH

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày cho biết, về trách nhiệm PCCC&CNCH, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC&CNCH, bao gồm:

Trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về phòng cháy, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành hai điều gồm Điều 19 về Phòng cháy đối với nhà ở và Điều 20 về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 54 đã giao các bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến PCCC thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất… trong dự thảo luật này.