1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bờ sông ở Huế sạt lở sau tiếng nổ: Khắc phục khẩn cấp bằng đá hộc

Vi Thảo

(Dân trí) - Cơ quan chức năng huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) đã khắc phục khẩn cấp đoạn đường dân sinh dọc bờ sông Rào Cùng bị sạt lở, bảo đảm việc đi lại của người dân.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, chiều 30/12, các đơn vị thi công đã huy động nhiều phương tiện và nhân lực để xử lý khẩn cấp đoạn bờ sông Rào Cùng bị sạt lở. Đây cũng là tuyến đường dân sinh tại xóm Phường, thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các lực lượng thi công đã sử dụng máy xúc để san gạt đoạn bị sạt lở và đứt gãy, sau đó đổ đá hộc và đá vụn để tạo mặt bằng.

Bờ sông ở Huế sạt lở sau tiếng nổ: Khắc phục khẩn cấp bằng đá hộc - 1

Đoạn bờ sông Rào Cùng sạt lở nghiêm trọng, khoét sâu vào sát nhà dân (Ảnh: Vi Thảo).

Một công nhân tại hiện trường cho biết, sau khi tạo mặt bằng, đơn vị thi công sẽ cấp phối bằng đá dăm để đảm bảo việc đi lại của người dân được thuận tiện. Dự kiến, công tác khắc phục sẽ cơ bản hoàn thành trong ngày 31/12.

Theo cơ quan chức năng huyện Quảng Điền, đây là biện pháp xử lý tạm thời nhằm trả lại đường đi cho người dân khi dịp Tết đang đến gần. Về lâu dài, địa phương kiến nghị tỉnh Thừa Thiên Huế bố trí ngân sách để xây dựng bờ kè kiên cố chống sạt lở tại các đoạn xung yếu dọc bờ sông Rào Cùng, đảm bảo ổn định đời sống người dân.

Bờ sông ở Huế sạt lở sau tiếng nổ: Khắc phục khẩn cấp bằng đá hộc - 2

Đơn vị thi công huy động phương tiện, nhân lực khẩn cấp đoạn đường bị sạt lở (Ảnh: Vi Thảo).

Trước đó, rạng sáng 28/12, người dân xóm Phường, thôn La Vân Thượng đã nghe một tiếng nổ lớn tại khu vực bờ sông Rào Cùng. Sau đó, họ phát hiện một đoạn bờ sông, cũng là con đường đi lại hàng ngày, bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 150m, mặt đường nứt gãy và sụt lún sâu.

Đoạn sạt lở nặng nhất nằm trước nhà của ông Phan Hữu Lượng (83 tuổi), khoét sâu vào gần sân khiến ông lo lắng về sự an nguy của gia đình. Tương tự, đoạn bờ sông trước nhà ông Nguyễn Hữu Lai (73 tuổi) cũng xuất hiện dấu hiệu sạt lở với nhiều vết nứt trên mặt đường.

Những ngày qua, gia đình ông Lai đã phải dùng tấm bạt che những chỗ có nhiều vết nứt để ngăn nước mưa thấm xuống làm nhão đất, đồng thời đóng thêm cọc tre dưới lòng sông để giữ đất, chống sạt lở.

Bờ sông ở Huế sạt lở sau tiếng nổ: Khắc phục khẩn cấp bằng đá hộc - 3

Người dân dùng bạt che đi những chỗ có nhiều vết nứt để nước mưa không thấm xuống làm nhão đất bên dưới, gây sạt lở (Ảnh: Vi Thảo).

Ông Lai cho biết, những năm trước, bờ sông Rào Cùng ít bị sạt lở, nhưng gần đây, hai bên bờ sông liên tục xảy ra sạt lở và sụt lún. Ông nhận định nguyên nhân có thể do mưa kéo dài làm nhão đất, nước chảy xiết khiến lòng sông ngày càng sâu, dẫn đến sạt lở hai bên bờ.

Theo ông Trần Kìm, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ngoài điểm sạt lở bờ sông Rào Cùng, trên địa bàn còn xảy ra tình trạng sạt lở bờ sông Bồ đoạn qua các thôn Phò Nam, Niêm Phò, Phước Yên, Tân Xuân Lai, La Vân Thượng, ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 100 hộ dân, đất sản xuất và các công trình công cộng khác.