Bỏ quy định phạt xe buýt trễ giờ để hạn chế chạy “ẩu”
(Dân trí) - Gần đây, xe buýt TPHCM liên tiếp gây tai nạn. Giới tài xế thanh minh: Do bị phạt khi chạy trễ nên họ phải chạy nhanh, thành ra “ẩu”. Sở GTVT TPHCM vì vậy đã bỏ quy định phạt tài xế chạy trễ để hạn chế chạy “ẩu”.
Tai nạn liên tiếp xảy ra
Trong năm 2008, tình hình tai nạn giao thông do xe buýt gây ra đã diễn biến phức tạp, với 23 vụ, làm 21 người chết; tăng 6 vụ và 7 người chết so với năm 2007.
Qua đầu năm 2009, khi tình trạng kẹt xe bắt đầu gia tăng thì tình trạng xe buýt chạy “ẩu” cũng bắt đầu tăng theo. Liên tiếp nhiều vụ tai nạn gây thương tích cho hành khách xảy ra do tài xế chạy nhanh, vượt ẩu, không dừng xe khi đón trả khách…
Do vậy, cuối tháng 2/2009, Trung tâm Quản lý và Điều hành Vận tải hành khách công cộng (QL&ĐH VTHKCC) đã ra công văn yêu cầu các đơn vị kinh doanh VTHKCC phải chấn chỉnh tác phong làm việc của các tài xế xe buýt và tăng cường kiểm tra xử phạt.
Nhưng sang đầu tháng 3/2009, tình hình vẫn không chuyển biến khiến Cục Đường bộ phải yêu cần Sở Giao thông Vận tải TPHCM giải trình gấp vì sao xe buýt lại liên tiếp bị báo chí phê phán là “hung thần”.
Đến giữa tháng 3, Sở GTVT phải đứng lên tổ chức họp báo giải thích nguyên nhân bác tài chạy ẩu không phải là do Sở. Các doanh nghiệp vận tải (DNVT) cũng lắc đầu ngoày ngoạy bảo chẳng phải do mình. Tài xế lo chạy kiếm cơm và liên tục gây ra tai nạn vì áp lực công việc.
Đến cuối tháng 3, tai nạn lại xảy ra với cường độ cao, làm chết nhiều người. Đầu tiên là vụ tai nạn làm chết 3 người tại vòng xoay dưới cầu Nhị Thiên Đường vào ngày 26/3. Tài xế xe buýt đi đến vòng xoay đã ôm vòng xoay không đúng chiều và đâm trực diện vào xe gắn máy chở 3 người khiến cả 3 đều tử vong.
Sau đó vài ngày (ngày 30/3), trên quốc lộ 1A, một xe buýt khác đang lưu thông bất ngờ tấp vào trạm, anh Lê Công Bình điều khiển xe máy chạy cùng chiều, bênh cạnh xe buýt do vội vàng lách tránh nên đã chạm vào xe tải, sau đó va tiếp vào xe buýt trên rồi ngã xuống đường chết tại chỗ.
Hôm sau, ngày 31/3, trên đường Lê Đại Hành (quận 11), lại một xe buýt khi ghé trạm dừng để bà cụ Trần Ngọc (71 tuổi) xuống xe đã vội vàng chạy đi khi cụ bà chưa xuống hẳn. Do vậy, bánh xe buýt đã cán dập nát chân bên phải của bà cụ.
Đến lúc này, Ban An toàn giao thông TP phải vào cuộc và yêu cầu các đơn vị liên quan chấn chỉnh ngay thái độ làm việc, tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng trên.
Vì, bởi, tại…
Cánh bác tài thì giải thích nguyên nhân chạy “ẩu” là do cường độ làm việc cao, tình trạng giao thông phức tạp, lại chịu áp lực phải chạy nhanh nếu không sẽ bị phạt nặng do chạy trễ. Đây là nguyên nhân chính đáng vì xét vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 26/3, đơn vị quản lý chiếc xe gây ra tai nạn có quy định là xe về trễ một phút sẽ bị phạt 20.000 đồng.
Giải thích điều này, các DNVT cho là khi xe chạy trễ thì Trung tâm QL&ĐH VTHKCC phạt DN nên DN phải ra nội quy phạt tài xế để tài xế cố gắng chạy nhanh. Ngoài ra, việc này còn giúp đảm bảo xe chạy đúng biểu đồ giờ chung do Sở GTVT ban hành.
Phó Giám đốc Sở GTVT Dương Hồng Thanh thì cho là: Sở không áp đặt thời gian chạy mà biểu đồ giờ chạy xe do chính các DNVT xây dựng và trình lên Sở. Sở chỉ xem xét và duyệt thôi. Do vậy, nói tài xế chạy “ẩu” do áp lực thời gian trong khi đường xá liên tục kẹt xe mà Sở không giải quyết là không phải.
Ông Phạm Đình Đức, Giám đốc Trung tâm QL&ĐH VTHKCC thì cho là nguyên nhân xuất phát từ chính trách nhiệm và lương tâm đạo đức của người phục vụ trên xe cũng như chính DNVT.
Còn phía DNVT thì than thở vì Sở GTVT đặt khoán doanh thu nên bắt buộc các đơn vị vận tải phải có biện pháp buộc các tài xế làm việc hết sức, bắt được càng nhiều khách càng tốt để tăng doanh thu. Và cách tốt nhất là phạt khi xe đến trễ.
Ông Lê Trung Tính, Trưởng phòng Quản lý Vận tải Công nghiệp thì cho rằng hiện nay mô hình khoán doanh thu là tốt nhất, vì nó tạo điều kiện cho các DN cạnh tranh, liên tục nâng cao chất lượng phục vụ của mình để thu hút hành khách. Đơn vị nào làm tốt thì khách đến nhiều. Nhưng chỉ có điều là các DNVT thay vì nâng cao chất lượng phục vụ lại cố tình làm khác đi.
Không phạt là hơn
Chính vì quan điểm các bên bất nhất và cách xử lý khác nhau, mang tính đối phó dẫn đến tình trạng phục vụ của ngành xe buýt TP ngày càng xấu đi. Trước tình hình tai nạn diễn biến quá phức tạp, các bên gồm cơ quản quản lý ngành (Sở GTVT, Trung tâm QL&ĐH VTHKCC) và đơn vị quản lý, khai thác tuyến xe buýt (các hợp tác xã, DNVT) đã có buổi làm việc để thống nhất cách giải quyết vào ngày 2/4.
Tại đây, hai bên đã thừa nhận tình trạng tài xế xe buýt chạy “ẩu” đúng là do áp lực sợ bị phạt tiền khi chạy trễ. Từ năm 2008, trung tâm QL&ĐH VTHKCC cũng đã áp dụng hình thức không phạt khi xe buýt chạy trễ do kẹt xe. Tuy nhiên, để chứng minh xe mình bị kẹt xe nên đến trễ cũng rất nhiêu khê nên biện pháp tình thế này cũng chưa giúp các bác tài yên lòng.
Do vậy, Sở GTVT đã yêu cầu trung tâm QL&ĐH VTHKCC bỏ luôn quy định phạt trễ chuyến, trễ giờ. Nhưng để đảm bảo các bác tài không làm việc riêng khi chạy xe, chạy cầm chừng để rà rút khách gây rối loạn biểu đồ tuyến, Trung tâm sẽ tăng cường kiểm tra và phạt nặng hành vi này.
6 HTX thuộc Liên hiệp HTX Vận tải TPHCM tham dự họp thống nhất sẽ bỏ quy định phạt tài xế khi xe trễ chuyến, trễ giờ do chính các đơn vị này tự đặt ra. Sở GTVT cũng lên tiếng vận động các DNVT khác hưởng ứng giải pháp trên (đây là quyền của các đơn vị này).
Đồng thời, các DNVT tham gia họp cũng đồng ý sẽ áp dụng giải pháp chia đều doanh thu cho các xe trong tuyến để các bác tài trong một tuyến không chạy “ẩu”, tranh giành khách của nhau. Sở GTVT thì đồng ý nghiên cứu và đề xuất TP giảm sản lượng doanh thu năm nay do tình hình kẹt xe quá phức tạp để giảm thiệt hại cho các DNVT, nhưng việc này sẽ khiến khoản trợ giá tăng lên.
Tùng Nguyên