1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đồng Nai:

Bỏ phương án dùng mìn phá trụ cầu Ghềnh

(Dân trí) - Ban đầu đơn vị thi công dự tính dùng phương pháp nổ mìn để phá 2 trụ mố của cầu Ghềnh dưới sông Đồng Nai. Tuy nhiên, do kinh phí lớn và thời gian xin cấp phép lâu nên đơn vị thi công đã lựa chọn phương án phá thủ công.

Ngày 11/4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác kiểm tra tiến độ dự án xây dựng cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai (TP Biên Hòa, Đồng Nai). Cùng ngày, ông chủ trì cuộc họp, nghe đơn vị liên quan báo cáo kế hoạch, chỉ đạo phương án thực hiện thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường thi công dự án cầu Ghềnh mới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông kiểm tra công trường thi công dự án cầu Ghềnh mới.

Theo đại diện Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, việc trục vớt các hạng mục cầu bị đổ sập đã được hoàn tất vào cuối tháng 3 và giao mặt bằng cho đơn vị thi công triển khai dự án. Các đơn vị đã khởi công, tập trung đầy đủ thiết bị, máy móc và thực hiện đúng lộ trình.

Hiện tại, ngành đường sắt đang tổ chức sản xuất 3 dầm thép (kết cấu chính cầu Ghềnh) tại các xưởng ở Huế, Đà Nẵng và Bình Dương. Dự kiến ngày 3/6 sẽ hoàn thành toàn bộ dầm, ngày 10/6 hoàn thành thi công 2 mố cầu và xong kiến trúc phần trên để thông xe vào ngày 28/6.

Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) cho biết đang lên phương án thanh thải các trụ cầu cũ ở lòng sông.

Ban đầu, đơn vị này lên kế hoạch dùng mìn đánh sập trụ sau đó đưa lên bờ. Tuy nhiên, phương án này chi phí thực hiện quá cao (trên 3,5 tỷ đồng) và thời gian làm thủ tục cấp phép từ 10 - 15 ngày nên đơn vị quyết định thực hiện theo phương án phá thủ công.

Hiện tại, Cienco 1 điều động 8 máy khoan, 4 sà lan, 6 cần cẩu công suất lớn để triển khai nhanh các hạng mục xây dựng cầu Ghềnh mới.

“Chúng tôi không có thời gian dự phòng. Tiến độ thi công khá căng thẳng nhưng vẫn quyết tâm hoàn thành công trình sớm”, ông Thắng nói.

Đơn vị cũng kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho ứng trước 30-50% kinh phí để thực hiện.

Cũng theo ông Thắng, đơn vị thi công đang vạch kế hoạch lắp ráp các dầm cầu trên bờ. Sau đó, dùng phương tiện chuyên dụng di chuyển, đặt dầm vào các trụ. Làm theo phương pháp này có thể rút ngắn thời gian thi công so với dự kiến từ 7-10 ngày.

Vĩnh Thủy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm