1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bỏ phiếu tín nhiệm: “Thượng phương bảo kiếm” khi cần mới rút?

(Dân trí) - “Phải coi bỏ phiếu tín nhiệm như “phượng thương bảo kiếm”, chỉ rút ra khi cần thiết”, “Không tổ chức tốt, quanh năm các lãnh đạo chỉ lo chuyện tín nhiệm, không ai dám làm gì”… Phiên thảo luận về việc đổi mới hoạt động Quốc hội hôm nay nhận nhiều ý kiến “can gián.

Không ít ý kiến băn khoăn về đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong Đề án đổi mới hoạt động, hiệu quả của Quốc hội. Đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, như vậy số lượng cán bộ quá đông, khó khả thi. Ông Hoàng cho rằng, trước mắt chỉ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm với người đứng đầu bộ ngành có những vấn đề xã hội đang bức xúc hay cán bộ cấp dưới có những sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng.
 
Bỏ phiếu tín nhiệm – cần thiết mới rút “thượng phương bảo kiếm”!
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi thêm với Bộ trưởng Tài chính về Đề án.

Đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nghi ngại: “Nếu hoạt động này không tổ chức tốt thì quanh năm cán bộ lãnh đạo chỉ lo chuyện tín nhiệm, không ai dám làm gì cả”.

Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nêu quan điểm không đồng tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm hàng năm. “Chúng ta phải coi đây như "thượng phương bảo kiếm" của Quốc hội, chỉ rút ra khi nào cần thiết. Tôi đề nghị không nên bỏ phiếu thường xuyên và chỉ bỏ phiếu khi cần thiết, xin ý kiến đại biểu Quốc hội đối tượng nào cần được bỏ phiếu” - ông Hùng cũng nghiêng về phương án bỏ phiếu từ Bộ trưởng trở lên.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim cũng tán thành phương án bỏ phiếu đối với các Bộ trưởng và chức danh tương đương trở lên. Đồng thời, đại biểu cũng cho rằng thời điểm nên tiến hành bỏ phiếu là vào năm thứ hai và thứ tư nhiệm kỳ. Ông Kim sốt sắng “giục” thực hiện ngay việc bỏ phiếu vào đầu năm 2013 tới,  sau đó mở rộng dần.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) lập luận, chỉ đề cập bỏ phiếu tín nhiệm là chưa phù hợp vì gắn tín nhiệm với vi phạm vào một. Ông Út đề nghị phân rõ hai loại hình bỏ phiếu: lấy phiếu tín nhiệm hàng năm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với trường hợp cán bộ có vấn đề, có vi phạm. Vấn đề cơ bản nhất cần quan tâm theo đại biểu là xem xét, đánh giá được tinh thần trách nhiệm của các lãnh đạo cấp cao được Quốc hội bầu.
Bỏ phiếu tín nhiệm – cần thiết mới rút “thượng phương bảo kiếm”!
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên hành lang Quốc hội.

Phân tích của ông Út nhận được nhiều ý kiến tán thành của các đại biểu. Bà Lê Thị Nga (đại biểu Thái Nguyên) cho rằng, cần tồn tại song song hai hình thức, bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ và bỏ phiếu tín nhiệm bất thường khi có sự kiện về việc một chức danh có vi phạm.

Bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ sẽ giúp cho người đứng đầu năng động hơn, luôn tìm cách sáng tạo, giúp bộ máy của mình hoạt động hiệu quả hơn. Bỏ phiếu định kỳ cũng giúp tránh được “mặc cảm” bị bỏ phiếu vì đây là một hoạt động định kỳ được tiến hành đối với nhiều người. Việc bỏ phiếu định kỳ lần cuối còn là tài liệu khá chuẩn xác, góp phần chuẩn bị nhân sự cho khóa sau.

Còn bỏ phiếu bất tín nhiệm được tiến hành khi có sự kiện xảy ra liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ khiến cho dư luận cử tri bức xúc, có thể tiến hành hiệu quả qua giám sát, chất vấn.

P.Thảo
Ảnh: Việt Hưng