1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Bộ Pháp điển Việt Nam hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Pháp điển Việt Nam được hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề.

Chiều 5/11, Bộ Tư pháp tổ chức lễ tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và công bố Bộ Pháp điển Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, 2013 là năm bắt đầu xây dựng Bộ Pháp điển; năm đầu tiên các bộ, ngành, địa phương thực hiện hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thống nhất trong cả nước.

Bộ Pháp điển Việt Nam hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật - 1

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh (Ảnh: Trung Kiên).

"Sau 10 năm, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện 3 kỳ hệ thống hóa văn bản thống nhất trong cả nước, trong đó kỳ hệ thống hóa văn bản thứ 3 (2019 - 2023) vừa được hoàn thành. Việc thực hiện hệ thống hóa văn bản đã được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai ngày càng bài bản, khoa học, bảo đảm chính xác, đúng quy định", Bộ trưởng Tư pháp cho hay.

Theo ông Ninh, kết quả cho thấy bức tranh tổng thể về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ trung ương đến địa phương, nhất là về tình trạng hiệu lực của các văn bản.

"Kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được các bộ, ngành, địa phương công bố là nguồn dữ liệu vô cùng quan trọng phục vụ việc xây dựng, áp dụng và thi hành pháp luật", ông Ninh nhấn mạnh.

Pháp điển là việc cơ quan nhà nước rà soát, tập hợp, sắp xếp các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực trong các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành, trừ Hiến pháp, để xây dựng Bộ pháp điển.

Bộ Pháp điển có vai trò, ý nghĩa, giá trị thiết thực trong việc bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận, dễ tra cứu của các quy định pháp luật. Bộ Pháp điển cũng góp phần giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

"Việc đưa Bộ Pháp điển vào cuộc sống là một trong các giải pháp quan trọng để truyền thông chính sách, nhiệm vụ này sẽ mở ra những nguồn lực lớn, tạo nên sức mạnh lớn, hiệu quả cao trong việc xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh đánh giá.

Bộ trưởng Tư pháp đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo củng cố tổ chức, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức pháp chế nói chung và công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật nói riêng.

Đặc biệt phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh số hóa, phát triển trí tuệ nhân tạo (AI); đầu tư, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, bảo đảm nguồn dữ liệu về văn bản "đúng, đủ, sạch, sống" vận hành liên tục, ổn định.

Bộ Pháp điển Việt Nam hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật - 2

Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo Bộ Tư pháp và các đại biểu thực hiện nghi thức công bố Bộ Pháp điển Việt Nam - công cụ tra cứu pháp luật được xây dựng trong 10 năm (Ảnh: Trung Kiên).

Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), thông tin, Bộ Pháp điển được xây dựng, hình thành từ gần 9.000 văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực của cấp Trung ương và được sắp xếp, cấu trúc vào 45 chủ đề, trong mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục (có 271 đề mục thuộc 45 chủ đề).

Mỗi đề mục được pháp điển từ nhiều văn bản khác nhau cùng điều chỉnh một lĩnh vực nhất định và được sắp xếp theo một trật tự khoa học, logic. Cấu trúc của đề mục dựa theo bố cục của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất trong các văn bản được pháp điển vào mỗi đề mục.

"Với cách pháp điển như vậy, Bộ Pháp điển giúp các cá nhân, tổ chức dễ dàng, thuận tiện trong tra cứu, tìm kiếm các quy định pháp luật, qua đó góp phần đưa pháp luật vào cuộc sống và trình độ pháp lý của người dân ngày càng được nâng cao", ông Huy tin tưởng.

Đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng

Tại tọa đàm "Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam" diễn ra sáng 5/11, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Ngày Pháp luật Việt Nam).

2024 là năm thứ 12 triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam và đã được các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, cách làm cụ thể, thiết thực.

"Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý sâu rộng, làm cơ sở để triển khai thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, thiết thực nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của các bộ, ngành địa phương, đóng góp thiết thực vào thành quả chung của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", ông Nguyên nói.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm