Thứ trưởng Nội vụ:
Bổ nhiệm ồ ạt trước nghỉ hưu - truy trách nhiệm đến cùng nếu sai phạm
(Dân trí) - Trao đổi về đề nghị của đại biểu Quốc hội quy định “cấm” lãnh đạo được ký quyết định bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu để chống hiện tượng “kiếm chác” trong “chuyến tàu cuối”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng không nên quá lo ngại vì người bổ nhiệm vẫn phải chịu trách nhiệm đến cùng, dù đã nghỉ.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều tối ngày 27/11, nhiều vấn đề về công tác cán bộ được đặt ra.
Báo chí dẫn ý kiến phát biểu tại Quốc hội vừa qua của đại biểu Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng) đề nghị “cấm” lãnh đạo các cơ quan đơn vị ký quyết định bổ nhiệm cán bộ trước khi nghỉ hưu để tránh hiện tượng bổ nhiệm hàng loạt kiểu “bán chức”, “vét” chuyến cuối như đã từng xảy ra, gây bức xúc dư luận trong nhiệm kỳ vừa qua.
Hồi đáp về nội dung này, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn bình luận: “Ý kiến nêu ra của đại biểu Quốc hội, với chức năng quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, chúng tôi xin lắng nghe. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý là một trong các nội dung của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại Việt Nam. Đây là công việc được tiến hành thường xuyên, bình thường, do nhu cầu sử dụng cán bộ của mỗi cơ quan, đơn vị. Việc bổ nhiệm, theo đó, căn cứ vào nhu cầu của đơn vị, vào điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định. Người đứng đầu căn cứ vào những yếu tố đó để tiến hành bổ nhiệm”.
Giải thích về việc thông báo nghỉ hưu thường được gửi trước khoảng nửa năm, Thứ trưởng Nội vụ lý giải, không phải để “bật đèn xanh” cho lãnh đạo kiếm chác trong chuyến tàu vét mà để người đứng đầu đơn vị có sự chuẩn bị, chuyển giao công việc trước khi hưởng chế độ hưu trí.
Trấn an lo ngại về việc “mua bán” chức quyền trong thời điểm này, ông Tuấn nhấn mạnh, nguyên tắc trong quản lý cán bộ là “dù có mai nghỉ thì hôm nay vẫn phải hoàn thành tốt nhiệm vụ và mọi công việc thuộc lĩnh vực phụ trách, điều hành, cán bộ lãnh đạo đơn vị vẫn phải chịu trách nhiệm.
“Bổ nhiệm sai, nếu sau này thanh kiểm tra mà phát hiện sai phạm thì người đó vẫn phải chịu trách nhiệm, truy cứu theo luật định chứ không phải gần nghỉ, làm sai xong là… vô can” – ông Tuấn nói.
Chuyển sang nội dung về hoạt động tin giản biên chế liên quan đến phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Đình Quyền “nếu được toàn quyền, sẽ sa thải ngay 40% nhân viên”, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn cũng nhấn mạnh đây chỉ là phát ngôn, quan điểm của một cá nhân.
Đánh giá về tỷ lệ cán bộ, công chức được việc hay thừa thãi, có thể tinh giản, theo Thứ trưởng Tuấn, phải căn cứ vào việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức của từng cơ quan vì chất lượng cán bộ công chức của mỗi đơn vị rất khác nhau.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, tư duy, yêu cầu cắt giảm bộ máy về số lượng cũng đã cũ, đến giờ, mục tiêu đề ra không chỉ là giảm về số lượng mà qua tinh giản để nâng cao chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức để nâng chất lượng phục vụ người dân và xã hội.
Việc tinh giản hiện được triển khai theo Nghị định 161 Chính phủ đã ban hành. Bộ Nội vụ cũng có thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Mục tiêu đặt ra là xác định tỷ lệ tinh giản tối thiểu với mỗi cơ quan, đơn vị là 10%, từ 2015 – 2021, tức mỗi năm trung bình phải tinh giản được 1,5%.
Để đạt được kết quả tốt trong hoạt động này, có 3 điểm mấu chốt cần quan tâm.
Trước hết, Thứ trưởng Tuấn nhấn mạnh việc gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong việc tinh giản. Hàng năm, mỗi cơ quan tổ chức đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản của đơn vị mình với chỉ tiêu tối thiểu 1,5% trở lên để trình phê duyệt. Khi đó, mỗi người đứng đầu phải triển khai thực hiện kế hoạch và nếu kế hoạch không hoàn thành thì cũng được xem là một yếu tố để “quy” người đứng đầu đó không hoàn thành nhiệm vụ
Việc tinh giản được xác định theo nguyên tắc “ra 2 vào 1”, tức tính cả số người phải tinh giản, nghỉ hưu, thôi việc thì cứ 2 người ra khỏi hệ thống mới được tuyển thêm 1 người vào để bù (tức số vào chỉ bằng 50% số người ra khỏi công vụ, từ đó số cán bộ công chức sẽ giảm dần).
“Vậy thì quan điểm có thể cắt giảm ngay 40% nhân viên như đại biểu nói là ý kiến của cá nhân còn xác định tỷ lệ ở mỗi cơ quan phải phụ thuộc vào chất lượng công chức ở đơn vị đó. Người lãnh đạo phải có bản lĩnh và quyết đoán để xác định được tỷ lệ tinh giản phù hợp với cơ quan, đơn vị mình” – Thứ trưởng Tuấn chốt lại.
P.Thảo