1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đừng bất chấp tất cả, ký vội kiểu “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ”

(Dân trí) - Liên quan đến việc phát hiện “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam, ông Lê Như Tiến - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng nói: “Vừa rồi tôi có nói tại hội trường Quốc hội rằng không vì những “chuyến tàu vét cuối cùng”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà bất chấp tất cả, ký vội, ký vô nguyên tắc người thân trong gia đình của mình theo kiểu “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ”.

 

Ông Lê Như Tiến (Ảnh: Việt Hưng).
Ông Lê Như Tiến (Ảnh: Việt Hưng).

 

Phóng viên: Kết luận của Bộ Giao thông vận tải về nội dung tố cáo “gia đình trị” tại Tổng công ty Bảo đảm Hàng hải miền Nam (VMS-South) cho thấy 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với Tổng Giám đốc. Cụ thể, có 8 người có quan hệ gia đình là chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ của Tổng Giám đốc. Trong đó, có 5 người giữ các chức vụ là Phó tổng giám đốc, Chánh văn phòng, Phó giám đốc công ty, Trưởng phòng kế hoạch và Phó phòng Kế toán công ty... Ông nhận định thế nào về việc sử dụng nhân sự ở tổng công ty này?

Ông Lê Như Tiến: Tôi nghĩ điều này là hoàn toàn không nên. Nhưng nếu họ đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vào làm việc thông qua thi tuyển thì vẫn có thể tiếp nhận họ chứ không nên cực đoan là cứ người thân thì không nhận. Chỉ có điều trong một cơ quan nào đó mà có tới một nửa hoặc 2/3 người thân trong gia đình thì là điều không bình thường.

Đầu năm 2014, VMS-South từng bị Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thu hồi quyết định bổ nhiệm một Phó tổng giám đốc vì vượt số lượng cấp phó, không được Bộ Giao thông vận tải đồng ý. Lần này, Bộ Giao thông vận tải lại tiếp tục phát hiện quy trình bổ nhiệm và hồ sơ bổ nhiệm đối với một số trường hợp còn thiếu sót. Cụ thể, tại thời điểm bổ nhiệm có 3 người thiếu bằng tốt nghiệp đại học, 2 người thiếu điều kiện là đảng viên, 1 người thiếu nhận xét cấp ủy nơi cư trú và chứng chỉ tin học... Có vẻ như công tác nhân sự tại đây đã “có vấn đề” từ lâu nhưng chậm được xử lý triệt để?

Tôi được biết thông tin Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã có kết luận và đề nghị kiểm điểm nghiêm khắc rồi. Chúng ta sẽ chờ xem việc kiểm điểm đó như thế nào.

Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng báo chí đã phản ánh 3 câu chuyện lùm xùm về “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), Thị xã Phổ Yên (Thái Nguyên) và bây giờ là “gia đình trị” ở VMS-South (Bộ Giao thông vận tải). Ông có nghĩ rằng những chuyện tương tự đang diễn ra phổ biến ở nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương khác nữa mà dư luận chưa biết tới?

Nhiều nơi như thế. Có hiện tượng trong thực tế rồi. Nhưng chúng ta cần phân biệt thế này: Nếu những người thân đó giỏi giang, xứng đáng, thi đầu vào đạt yêu cầu thì coi họ như bình thường; còn đề bạt bổ nhiệm người thân không đúng quy định, cố tình “gia đình trị” một cơ quan nhà nước thì đó là điều không bình thường.

Ngày xưa “một người làm quan cả họ được nhờ”. Một người làm quan là lôi kéo cả họ vào cơ quan hoặc một bộ phận nào đó ở cơ quan nhà nước làm việc. Nếu người lãnh đạo có sự nhạy cảm và hiểu biết thì người ta nên tránh chuyện đó, có thể để người thân vào làm việc ở các cơ quan khác chứ không nên bố trí thành kiểu “gia đình trị”.

Vấn đề này luật cũng đã có quy định rồi. Nếu người chồng làm tổng giám đốc, chủ tịch hội đồng quản trị đứng đầu cơ quan thì vợ con không được làm kế toán trưởng, hoặc trưởng phòng tổ chức cán bộ, bởi như thế sẽ tạo nên vây cánh.

Ông bố là chủ tịch hội đồng quản trị, con gái kế toán trưởng, con trai là trưởng ban tổ chức thì sẽ thâu tóm toàn bộ quyền lực, quyền lợi trong một cơ quan rồi. Điều đó là không nên. Những người nhạy cảm, vì dân vì nước thì nên tránh điều đó.

Nhưng rõ ràng vẫn có rất nhiều kẽ hở về công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nên mới xảy ra những câu chuyện “gia đình trị”, “cả họ làm quan” như vậy?

Tôi nghĩ Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan chức năng liên quan nên có những quy định cụ thể hơn về việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Vừa rồi tôi có nói tại hội trường Quốc hội rằng không vì những “chuyến tàu vét cuối cùng”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” mà bất chấp tất cả, ký vội, ký vô nguyên tắc người thân trong gia đình của mình theo kiểu “quan hệ, hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ”. Nó sẽ không làm minh bạch hóa, lành mạnh các mối quan hệ xã hội được. Mà phải minh bạch hóa bằng cách thi tuyển cạnh tranh kể cả đề bạt, bổ nhiệm, tuyển dụng thì bộ máy của chúng ta mới có một đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất.

Trong việc này, người cấp trên, đứng đầu phải chịu trách nhiệm, phải biết đấy là những điều hoàn toàn cấm kỵ, không được đưa những người thân cận của mình vào cơ quan nhà nước không đúng quy trình, thủ tục, không đủ năng lực phẩm chất. Đó là điều nên tránh.

Xin cảm ơn ông!

 

Như Dân trí đã phản ánh, theo đơn tố cáo nặc danh, có 30 người đang làm việc tại VMS-South và đơn vị thành viên có quan hệ gia đình và quan hệ cá nhân với Tổng Giám đốc VMS-South, những người này giữ những chức vụ và vị trí công tác quan trọng từ năm 2005 đến nay.

Từ thông tin tố cáo trên, Tổ xác minh của Bộ Giao thông vận tải đã làm việc trực tiếp với 30 người có tên trong đơn tố cáo. Kết luận số 13802/KL-BGTVT về nội dung tố cáo “gia đình trị” tại VMS-South do Bộ trưởng Đinh La Thăng ký cho thấy, kết quả xác định 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với Tổng Giám đốc.

Cụ thể, có 8 người có quan hệ gia đình là chị ruột, cháu ruột, cậu ruột, em họ của Tổng giám đốc. Trong đó, có 5 người giữ các chức vụ là Phó tổng giám đốc Tổng công ty, Chánh văn phòng, Phó giám đốc công ty, Trưởng phòng kế hoạch và 1 người giữ chức Phó phòng Kế toán công ty; 3 trong 8 người có quan hệ gia đình với Tổng Giám đốc không có chức vụ.

Những người có quan hệ họ hàng gồm 7 người là cháu rể, anh rể, cháu dâu, cháu vợ của Tổng giám đốc, trong đó 6 người giữ các chức vụ: Phó phòng Kế toán Tổng Công ty, Phó phòng Kinh tế kế hoạch tổng công ty, Giám đốc công ty, Trưởng phòng Kế hoạch vật tư công ty, Chánh Văn phòng Đảng ủy, Trưởng phòng Hành chính công ty.

Tổ xác minh của Bộ GTVT khẳng định, trong số 15 người có quan hệ gia đình, họ hàng với Tổng Giám đốc VMS-South thì có 8 người thuộc quyền bổ nhiệm của Tổng Giám đốc. Còn lại, 1 người thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Hội đồng thành viên được bổ nhiệm ngày 28/7/2015 và 1 người thuộc thẩm quyền bổ nhiệm của Đảng ủy tổng công ty được bổ nhiệm ngày 23/6/2014.

 

Thế Kha (thực hiện)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm