1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xung quanh vụ "xà xẻo" tiền cứu trợ lũ quét tại Hà Tĩnh:

Bổ nhiệm lâm tặc làm trưởng phòng Nông nghiệp!

(Dân trí) - Liên quan đến ông cựu Chủ tịch huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) Nguyễn Khắc Thứ, một thông tin "động trời" vừa bị phát hiện: Ông Thứ từng tự ý bổ nhiệm một "lâm tặc già" lên làm trưởng phòng Nông nghiệp và một ông già khác làm trưởng đại diện UBND huyện tại TPHCM.

Thời gian qua, dư luận đã biết đến một “ông huyện” Thứ lắm bò, nhiều trang trại, nhà cửa rình rang… cùng “dính chàm” với ông Phan Cao Oánh và các cộng sự trong vụ “xà xẻo” tiền cứu trợ lũ quét tại huyện Hương Sơn. Mới đây, tài liệu điều tra của Dân trí còn phát hiện ông chủ tịch huyện này đã có những quyết định bổ nhiệm khó hiểu nêu trên.

 

Tất cả những việc làm này, ông Nguyễn Khắc Thứ "không thèm" xin ý kiến của Ban thường vụ Huyện uỷ và không báo cáo lên UBND tỉnh. Sự việc giờ cũng đã được phát hiện và kết luận là có sai phạm nhưng đã quá muộn vì... tiền đã mất, "tật" đã mang.

 

Từ việc bổ nhiệm lâm tặc làm trưởng phòng...

 

Ông Phan Văn Đường (trú khối 9, thị trấn Phố Châu) sinh năm Bính Tuất, năm nay vừa tròn 60 tuổi. Ông Đường là anh ruột của bà Phan Thị Soa, một “ân nhân” đặc biệt của ông cựu Chủ tịch Nguyễn Khắc Thứ. Người phụ nữ này đã từng giữ vai trò là “bạn đồng hành” trong nhiều cuộc xuất ngoại và công tác xa nhà của ông Thứ. Việc này, khi báo chí phanh phui, phóng viên đến phỏng vấn tại nhà riêng, ông Thứ đã trả lời: "Đó là chuyện ba lăng nhăng, không có chuyện như thế".

 

Lý lịch của ông Phan Văn Đường rất đơn giản, học hành không có gì sáng sủa, là công nhân của Lâm trường Hương Sơn bị kỷ luật, sa thải vì vận chuyển gỗ lậu trái phép. Ngoài ra, ông này còn giả danh cán bộ của Bộ lâm nghiệp và bị phát giác. Thất nghiệp, ông bỏ vào miền Nam sinh sống, ẩn cư. Được một thời gian, ông Đường trở về địa phương, mang theo một tấm bằng trung cấp (không rõ nguồn gốc - PV) và may mắn gặp ông Nguyễn Khắc Thứ (thông qua người em gái Phan Thị Soa).

 

Cách đây 2 năm, ông Đường (khi đó đã hơn 58 tuổi) được ông Thứ "mang" về UBND huyện và ra quyết định bổ nhiệm ngay chức trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT). Điều này hoàn toàn trái với Quy chế của Bộ chính trị, Quyết định của Thủ tướng và Hướng dẫn của UBND tỉnh.

 

Theo các quy định hiện hành, khi đề bạt trưởng phòng lần đầu, người đó không được quá 45 tuổi, có bằng ĐH và lý lịch phải trong sáng. Rõ ràng, ông Đường không thể đáp ứng các tiêu chí này, nhưng có hề gì, ông vẫn ngồi vào cái ghế trưởng phòng. Việc làm này của ông Thứ khiến một số cán bộ chính quyền và nhân dân hết sức bất bình, phẫn nộ.

 

Ông Lê Văn Thanh, một hàng xóm lâu năm của ông Đường bức xúc: "Huyện mình loạn rồi! Ai chứ ông Đường thì tôi không lạ gì. Ông ấy không xứng là một đảng viên chứ chưa nói là làm cán bộ huyện!".

 

Trong 2 năm làm trưởng phòng, ông Phan Văn Đường còn được ông Thứ cho kiêm luôn việc phụ trách Dự án trồng rừng Việt - Đức (ODA). Với quyền lực trong tay, ông Đường đã biến hàng trăm ha rừng màu mỡ ở các xã Sơn Kim, Sơn Diệm thành của riêng mình, rồi đem chuyển nhượng, bán lấy tiền xây nhà ở Hà Tĩnh, Hà Nội...

 

Không những thế, ông Đường còn chuyển đất vườn ươm, đất trồng tre chống lũ của dự án làm đất ở cho các con mình. Ông Đường tự ý lấy xe công của dự án cho con gái đi dạy học; đứa con trai đang sinh viên ĐH lại là chủ sở hữu một trang trại lớn tại xã Sơn Kim (mới được chuyển nhượng khi vụ việc đổ bể - PV).

 

Việc làm táo tợn nhất của ông Phan Văn Đường là “tham mưu” để UBND huyện và UBND tỉnh cấp cho một tổ chức phi Chính phủ gần 400 ha rừng nguyên sinh tại khu vực biên giới Việt - Lào. Có đất, tổ chức này đã xây dựng lên hàng loạt ngôi nhà lạ, có kiểu dáng rất bất thường, gây xôn xao dư luận và khiến lực lượng bộ đội biên phòng và cơ quan an ninh phải "giật mình".

 

... đến việc thành lập văn phòng đại diện "chui" của UBND huyện 

 

Tháng 7/2003, khi nhận được bản "Báo cáo công tác của Văn phòng đại diện UBND huyện...", nhiều thành viên Ban thường vụ Huyện uỷ huyện Hương Sơn vô cùng sửng sốt. Thì ra, ngoài việc có một trụ sở UBND huyện tại địa phương, huyện nhà còn có một “trụ sở đại diện” tại TPHCM mà họ không hề hay biết.

 

Lục lại hồ sơ, người ta phát hiện, ngày 12/2/2003 (khi trận lũ quét còn chưa ráo bùn), ông Nguyễn Khắc Thứ đã âm thầm ký Quyết định số 78/QĐUB thành lập văn phòng đại diện (VPĐD) của UBND huyện tại TPHCM. Văn phòng có bộ máy hoàn chỉnh, do ông Thái Văn Cung làm trưởng đại diện, được đặt tại phố Hoàng Hoa Thám, phường 12, quận Tân Bình.

 

Về ông "trưởng đại diện", chúng tôi cũng có lý lịch "trích ngang" như sau: Ông Thái Văn Cung có tuổi đời ở "lớp" cụ. Ông nguyên là một giáo viên tại Trường PTTH Hương Sơn, đã nghỉ hưu, sau đó theo con vào Sài Gòn dưỡng lão. Ông được ông Thứ xem như là một "quân sư" trong quá trình thăng tiến lên ghế Chủ tịch huyện và Bí thư Huyện uỷ sau này.

 

Ông Cung hiện nay có hộ khẩu thường trú tại Gia Lâm (Hà Nội), "làm việc" ở quận Tân Bình (Sài Gòn) và sinh hoạt Đảng tại... Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hương Sơn. Theo một số đảng viên trẻ tại Chi bộ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện thì họ chưa hề biết mặt, mũi "cụ" Cung ra sao, nhưng tên "cụ" thì "chềnh ềnh" trong danh sách của chi bộ. Trước đây, đến mỗi kỳ thu đảng phí, khi thì ông Thứ, lúc thì ông Oánh rút tiền túi để nộp hộ ông trưởng VPĐD. Gần đây, khi ông Thứ và ông Oánh đang bận "đối phó" với những sai phạm bị phanh phui thì ông Cung đành phải tự gửi tiền về nộp cho chi bộ... 

 

Chẳng hiểu VPĐD có chức năng nhiệm vụ cụ thể là gì, nhưng khi chúng tôi kiểm tra hồ sơ tại Phòng Tài chính - Kế hoạch đã phát hiện mỗi tháng, ông Thứ và ông Oánh chuyển vào TPHCM 9 triệu đồng để trả lương cho ông Cung và hoạt động của văn phòng này.

 

Sự việc này chỉ bị phát hiện khi Tỉnh uỷ Hà Tĩnh nhận được một số đơn thư tố cáo với nội dung: "Ông Chủ tịch Nguyễn Khắc Thứ nguyên là một quân nhân đào ngũ đến 2 lần, mua xe ép rác lậu và tuỳ tiện bổ nhiệm cán bộ không theo nguyên tắc...".

 

Tháng 4/2005, ngoài kết luận việc đào ngũ, mua xe lậu, bổ nhiệm cán bộ tuỳ tiện của ông Thứ, Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hà Tĩnh còn yêu cầu UBND huyện Hương Sơn đình chỉ sự hoạt động của VPĐD và tìm biện pháp xử lý đối với số tiền đã thanh toán cho ông Cung. Nhưng đến nay, UBND huyện vẫn bất lực, vì đồng tiền trót đưa ra, mấy ai lấy lại được.

 

Phan Hồng - Uy Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm