1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bộ Ngoại giao thông tin về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới.

Tối 23/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thông tin việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch.

Bộ Ngoại giao thông tin về việc Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch - 1

Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Ảnh: Làng Mai).

"Được tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới sơn môn, cộng đồng Phật tử Việt Nam ở trong, ngoài nước và pháp quyến của Thiền sư Thích Nhất Hạnh" - bà Hằng nói.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị cao tăng của Phật giáo Việt Nam nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, có nhiều đóng góp trong giới thiệu và phát triển Phật giáo, văn hóa Việt Nam trên thế giới.

"Thiền sư viên tịch là tổn thất của cộng đồng Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng" - bà Hằng cho biết thêm.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch lúc 0h sáng 22/1, tại Tổ đình Từ Hiếu, tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi thiền sư an dưỡng từ năm 2018, sau những năm tháng hành đạo. Thiền sư hưởng thọ 95 tuổi.

Thông báo từ Tổ đình Từ Hiếu và Tăng thân Làng Mai, Lễ Trà Tỳ (di quan và hỏa táng) sẽ diễn ra vào 7h ngày 29/1. Tang lễ sẽ kéo dài trong 7 ngày theo hình thức của một khóa tu im lặng.

Sau Lễ Trà Tỳ, Xá Lợi sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai khắp nơi trên thế giới mà không cần phải xây tháp theo như di nguyện của Thiền sư.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh - Sư Ông Làng Mai là bậc thầy hướng dẫn tâm linh có công hạnh hoằng hóa rộng rãi và ảnh hưởng sâu dày trên khắp thế giới. Thiền sư đồng thời là một nhà văn hóa, một nhà văn, một nhà thơ, một học giả, một sử gia và một nhà hoạt động hòa bình. Thiền Sư được biết đến qua những buổi thuyết giảng công cộng cho cả hàng chục ngàn người và hơn 120 tác phẩm xuất bản giá trị.

Mục sư Martin Luther King vinh danh Thiền sư như là "một Thánh tông đồ của hòa bình và bất bạo động" khi đề cử Thiền sư Thích Nhất Hạnh cho giải Nobel Hòa bình vào năm 1967.