1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bở hơi tai với bão Durian

Buổi sáng dự kiến đổ bộ nam Nha Trang, trưa lại được dự báo vào Phan Rang, đến tối thì Phan Thiết rồi khuya thì lại có thể vào Cà Mau. Những thay đổi hết sức bất ngờ này của bão Durian đã khiến những người làm công tác phòng chống bão đến bở hơi tai...

Bão Durian thay đổi đầy bất ngờ với việc liên tục mạnh lên hai cấp trong ngày 3/12 chứ không yếu đi như dự báo. Nhưng sang ngày 4/12 thì mọi chuyện lại thay đổi hẳn.

 

Sức gió giảm nhanh

 

Đến 4 giờ sáng 4/12 bão chỉ còn sức gió cấp 11, cấp 12. Sức gió này duy trì trong suốt buổi sáng và được các cơ quan khí tượng dự báo sẽ giữ nguyên khi vào đến đất liền.

Thế nhưng từ trưa đến chiều qua bão liên tục suy yếu nhanh. Lúc 13 giờ bão lại suy yếu thêm một cấp để chỉ còn sức gió cấp 10, 11.

 

Các dự báo vào lúc này đều cho thấy bão cũng giữ nguyên sức gió cấp 10, 11 khi vào bờ.

 

Nhưng đến 16 giờ, sự “phá sản” của các dự báo trước đó tiếp tục diễn ra khi bão chỉ còn sức gió cấp 10.

 

Dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho rằng khi vào đến đất liền lúc 4 giờ sáng nay (5/12) bão sẽ còn cấp 9 và đến 16 giờ chỉ còn cấp 8.

 

Dự báo của Trung tâm cảnh báo bão Hải quân Mỹ lại làm người ta ngạc nhiên hơn khi cho rằng bão sẽ suy yếu rất nhanh khi vào bờ, rạng sáng nay bão chỉ còn cấp 8 và trưa nay sẽ chỉ là một áp thấp nhiệt đới yếu.

 

Sự suy yếu quá nhanh chóng của bão Durian đã làm dự báo của các cơ quan khí tượng quốc tế và Việt Nam không còn tính chính xác.

 

Chuyển hướng liên tục

 

Góc nhìn chuyên gia

 

Ông Olivia S.M.LEE (chuyên gia dự báo của Cơ quan Khí tượng Hong Kong): “Chúng tôi đã quan sát thấy sự dịch chuyển sâu hơn về phía nam của bão Durian từ sáng 4/12.

 

Điều này có thể giải thích là do sự mạnh lên của áp cao cận nhiệt đới ở phía bắc, áp cao này đã tác động mạnh đến bão Durian nên các dự báo cũng phải liên tục theo hướng đẩy cơn bão sâu hơn về phía nam.

 

Nhìn trên ảnh vệ tinh có thể thấy Durian đã hoàn toàn không còn mắt bão vào sáng 4/12, điều này cho thấy bão đang suy yếu.

 

Sự xâm nhập của không khí khô và lạnh từ gió mùa đông bắc cũng là một nguyên nhân của sự suy yếu nhanh chóng này”.

Không những vậy đường đi của bão cũng liên tục thay đổi làm các sơ đồ dự báo phải liên tục thay đổi theo. Các bản tin dự báo lúc 7 giờ sáng 4/12 đều cho rằng bão sẽ đổ bộ vào phía nam của Nha Trang (chưa kể vào ngày 1 và 2/12 thì cho rằng bão vào Bình Định - Phú Yên và 3/12 là ngay Nha Trang) vào lúc sau 19 giờ.

 

Nhưng đến bản tin lúc 10 giờ tất cả dự báo đều phải thay đổi khi bão đã chuyển dịch xuống phía nam thêm một ít. Các dự báo cho rằng bão vào Phan Rang vào lúc 22 giờ và sau đó hướng thẳng đến TPHCM để đến 13 giờ ngày 5/12 sẽ đi qua thành phố với sức gió có thể còn đến cấp 9.

 

Nhưng đến 16 giờ các dự báo lại thay đổi khi bão lại chuyển dịch thêm xuống phía nam chứ không thẳng tiến Phan Rang nữa, và đích đến lúc này là Phan Thiết. Sau đó bão sẽ di chuyển trên phần đất liền cạnh bờ biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu rồi vượt qua Cần Giờ (TPHCM) đi sâu vào các tỉnh Nam bộ.

 

Đuổi theo cơn bão kỳ dị

 

14 giờ chiều 3/12, chúng tôi xuất phát từ TPHCM, trực chỉ Khánh Hòa, nơi được xác định là “vùng tâm bão”.

 

Sáng sớm 4/12, thức dậy thật sớm để chuẩn bị cho cuộc hành trình đón bão đầy thách thức, chúng tôi loay hoay chọn điểm “nóng” để có mặt kịp thời.

 

Bở hơi tai với bão Durian - 1

 Sơ đồ dự báo điểm đổ bộ của bão Durian của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương liên tục thay đổi dịch chuyển xuống phía nam. (Các dãy số bên phải là vị trí và thời điểm phát tin dự báo trong ngày  4/12, dãy số bên trái là thời gian và điểm đổ bộ).

 

Lúc này, ngay sân nhà khách Tỉnh ủy Khánh Hòa (số 46 Trần Phú) cũng đã chen chật xe cộ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương và địa phương. Bên trong phòng họp, không khí nóng lên với những thông tin khẩn: “Bão đang di chuyển nhanh vào đất liền, ảnh hưởng trực tiếp tỉnh Khánh Hòa”.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Lâm Phi vừa chủ trì cuộc họp vừa hét lên trong điện thoại: “Tàu thuyền vào bờ được bao nhiêu? Di dời dân tới đâu rồi? Lực lượng ứng cứu ra tới địa bàn chưa?...”, rồi ông lật đật xuống xe đi thật nhanh.

 

Ngoài trời, gió đã bắt đầu mạnh lên, bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ che khuất những dãy núi xa xa. Sóng biển hung hãn từ ngoài vỗ vào bờ trắng xóa.

 

Cơn mưa ập đến như hối thúc, báo hiệu bão đang bắt đầu. Các thành viên phòng chống lụt bão gấp rút phóng xe xuống địa bàn đã được phân công. Chúng tôi chọn Cam Ranh.

 

Chủ tịch UBND thị xã Cam Ranh Nguyễn Tấn Hưng xác định: “Địa bàn trọng điểm là thôn Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông, nơi có hơn 200 hộ dân nhà xập xệ cần di dời khẩn cấp”. Ông hét trong điện thoại: “Bão sắp tới rồi còn ở đó chần chờ. Nếu cần cứ cưỡng chế...”. Ở thôn Mỹ Thanh đã thấy anh em công an đi “ruồng” sâu trong từng hộ, đem cả xe gắn máy chở người già và trẻ em.

 

Trời cứ mưa rỉ rả. Gió vẫn thổi từng cơn nhưng sau đó lại ngưng, rồi lại thổi. Mưa cũng vậy, cứ “cà giựt” lúc ướt lúc khô, báo hại chúng tôi phải cởi ra mặc vào chiếc áo mưa muốn nhão.

 

Hơn 13 giờ. Chúng tôi chọn địa điểm chờ... bão. Tới 15 giờ thì bỗng nghe điện thoại báo: “Tâm bão chạy về hướng Ninh Thuận rồi. Đi Phan Rang ngay”.

 

Tới Cà Ná, giáp ranh Ninh Thuận - Bình Thuận, bỗng dưng trời quang mây tạnh. Biển phẳng lì như mặt hồ, sóng chỉ vỗ nhẹ như đùa giỡn. Trời dứt mưa hẳn. Thậm chí từ chân trời xa, một vài ánh hồng của mặt trời còn rơi rớt lại, trông chẳng có vẻ gì là có bão. Lúc này lại có thông báo “về Phan Thiết, bão đang di chuyển hướng đó”.

 

Tới huyện Tuy Phong (Bình Thuận), chúng tôi ghé xã Vĩnh Hảo. Phó chủ tịch xã Phạm Ngọc Trọng vừa ra xóm 8 về. Anh lo lắng: “Ngoài đó nhà ọp ẹp quá. Sợ sập hết. Đã di dời dân vô hết trường học. Trời êm vầy càng đáng lo. Năm 1983 cũng y vậy. Êm chừng một tiếng sau là tanh bành”.

 

Chúng tôi vào xóm 8, chưa kịp vô xóm ven biển thì nghe gọi: “Bão đi Bến Tre rồi. Anh em về thôi”.

 

Chúng tôi ra xe phóng về Phan Thiết. Trời khô ráo như chưa từng có mưa bão bao giờ. Hình như ánh trăng sáng đang hừng lên sau lưng chừng núi. Lúc này đã hơn 22 giờ...

 

Theo Tuổi Trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm