1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ GTVT kiến nghị “chấm dứt hẳn” đường bay vàng

(Dân trí) - Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị chấm dứt việc xem xét phương án đường bay thẳng Hà Nội - TPHCM theo kinh tuyến 106 độ Đông do không phù hợp về kỹ thuật, không hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Bộ GTVT kiến nghị “chấm dứt hẳn” đường bay vàng - 1
Đường bay vàng theo đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn
 
Bộ GTVT: “Đường bay 1.000 km là không tưởng”
 
Ngày 30/11, Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình xem xét phương án “đường bay vàng” nối Hà Nội - TPHCM.
 
Văn bản nêu rõ, phương án đường hàng không thẳng Hà Nội - TPHCM dọc theo kinh tuyến 106 độ Đông (đường bay vàng) được Bộ GTVT kết hợp cùng Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu… đánh giá theo 2 phương án (thiết lập đường hàng không thẳng từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất và thiết lập đường hàng không từ sân bay Nội Bài đến sân bay Tân Sơn Nhất theo kinh tuyến 106 độ Đông với lộ trình tối ưu).
 
So sánh với đường hàng không hiện tại thì “đường bay vàng” ngắn hơn 40 - 60 km. Bộ GTVT khẳng định: không thể có bất kỳ phương án đường bay nào có cự ly là 1.000 km để dẫn tới việc tiết kiệm nhiên liệu và thời gian bay như đề xuất của cựu phi công Mai Trọng Tuấn.
 
Bởi theo cả 2 phương án trên, “đường bay vàng” đi qua lãnh thổ 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và căn cứ Điều 80 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam thì các đường hàng không này là đường hàng không quốc tế.
 
Theo đó, việc hoạch định, thiết lập, tổ chức khai thác đường hàng không quốc tế phải tuân thủ các quy định, hướng dẫn và tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và pháp luật của cả 3 quốc gia cũng như phải có sự đồng thuận giữa các quốc gia có liên quan trong khu vực.
 
Không an toàn và “phình” thêm chi phí
 
Đánh giá về bảo đảm an toàn hàng không, Bộ GTVT nhấn mạnh, đường hàng không thẳng Hà Nội - TPHCM theo kinh tuyến 106 độ Đông có quá nhiều điểm giao cắt biên giới, chuyển giao qua nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu (11 cơ sở), giao cắt các đường hàng không khác (15 nút giao cắt) với thời gian chuyển giao quá ngắn (nhiều lần chuyển sóng liên lạc chỉ khoảng 2 - 3 phút bay).
 
Bộ GTVT kiến nghị “chấm dứt hẳn” đường bay vàng - 2
Bộ GTVT khẳng định “đường bay vàng” không hiệu quả (ảnh: hãng Jetstar Pacific thực hiện chuyến bay Hà Nội - TPHCM).
 
Đây là yếu tố tăng nguy cơ tiềm ẩn uy hiếp an toàn bay, gây khó khăn cho việc chuyển giao kiểm soát của các cơ quan kiểm soát không lưu, ảnh hưởng đến khối lượng công việc của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu cũng như tăng cường độ làm việc đối với người lái, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn bay.
 
Về vấn đề bảo đảm hoạt động bay, văn bản nêu: trong trường hợp sử dụng đường bay thẳng, chuyến bay sẽ phải thực hiện qua 4 vùng thông báo bay của 3 quốc gia. Hãng hàng không sẽ phải xin phép bay từ nhà chức trách hàng không của cả Việt Nam, Lào, Campuchia nên không chủ động, kịp thời trong việc xin phép bay “đột xuất”.
 
Quan trọng hơn, “đường bay vàng” thiếu khả thi về hiệu quả kinh tế. Bộ GTVT chỉ ra, việc khai thác tuyến Nội Bài - Tân Sơn Nhất theo phương án đề xuất trên không có hiệu quả vì chi phí của hãng hàng không sẽ tăng thêm do phải đóng tiền cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho Lào, Campuchia (320 USD và 454 USD đối với tàu bay B777).
 
Đó là chưa kể phụ thu trong ngày nghỉ và ngày lễ của Campuchia và phải chịu các khoản phí, lệ phí đối với chuyến bay quốc tế. Như vậy, việc bay theo “đường bay vàng” sẽ làm cho hãng hàng không chi phí nhiều hơn mức mà việc tiết kiệm từ 40 - 60 km bay đem lại (Bộ GTVT đưa ra chi phí cho bay thẳng nhiều hơn khoảng 800 USD - PV).
 
Ngoài ra theo đại diện của Bộ Quốc phòng, đường hàng không thẳng này có các yếu tố ảnh hưởng lớn đến an ninh - quốc phòng khi đi qua khu vực cấm bay Hà Nội, khu vực hạn chế bay sân bay Biên Hoà…
 

“Hệ thống đường hàng không Hà Nội - TPHCM hiện nay được thực hiện từ ngày 2/7/2009 là đường bay tối ưu. Bởi đường hàng không hiện nay không chỉ phục vụ cho Hà Nội - TPHCM mà còn phục vụ các chuyến bay giữa Hà Nội, TPHCM với các thành phố khác như Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Bình và phải giữ đường hàng không nội địa quan trọng nhất nằm hoàn toàn trong vùng kiểm soát, điều hành của Việt Nam” - Bộ Giao thông Vận tải nhấn mạnh.

 
Phúc Hưng