1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ GTVT cử đoàn đi Trung Quốc học kinh nghiệm phát triển đường sắt

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, sau kỳ họp Quốc hội thứ hai, Bộ này đã cử một đoàn cán bộ đi Trung Quốc tham khảo những vấn đề liên quan đến ngành đường sắt.

Sáng 30/5, Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật đường sắt sửa đổi sau khi nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ - Môi trưởng Phan Xuân Dũng đọc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý về nội dung này.

Đề cập đến chính sách phát triển đường sắt, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng cho biết, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho đường sắt nhằm tạo vốn mồi để thu hút đầu tư, hoặc giao Chính phủ định hướng thu hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt.

Bộ Trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa
Bộ Trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành đường sắt so với các loại hình giao thông khác rất thấp, khó huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước đầu tư; khó đáp ứng được yêu cầu chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT đường sắt. Kinh nghiệm một số nước, kể cả các nước phát triển, cũng cho thấy đầu tư chính cho đường sắt vẫn là Nhà nước.

Nhận xét về Dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi, đại biểu Nguyễn Văn Chương (TPHCM) cho biết, không ai nghi ngờ tính ưu việt của vận tải đường sắt vì sự an toàn cao, giá thành vận tải rẻ, góp phần giảm giá thành lưu thông hàng hoá. Vận tải đường sắt là vận tải hạng nặng, cũng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của quốc phòng.

“Với lợi thế trải dài, đường sắt sẽ giúp triển khai thế trận trên khắp cả nước, các vùng miền một cách linh hoạt, tập trung sức mạnh và phân tán lực lượng khi cần thiết”, đại biểu Chương nói và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần hạ quyết tâm chiến lược trong hôm nay để đặt nền móng vững vàng cho đường sắt phát triển. Từ quyết tâm này, Chính phủ cần tìm nguồn vốn tăng đầu tư cho ngành đường sắt.

Cùng vấn đề trên, đại biểu Đặng Hoàng Tuấn (đoàn Long An) cũng nhận thấy thời gian qua, việc bố trí vốn cho đường sắt không lớn, chỉ chiếm khoảng 2,45% tổng mức đầu tư của ngành giao thông và chủ yếu cho bảo trì, sửa chữa đường sắt. Như vậy, chính sách tập trung đầu tư phát triển như Luật 2005 chưa đi vào thực tiễn.

Hệ thống đường sắt ngày càng lạc hậu
Hệ thống đường sắt ngày càng lạc hậu

Theo đại biểu, chính sách hiện nay chưa hấp dẫn nhà đầu tư vào ngành đường sắt. “Để phát triển ngành đường sắt cần thiết phải quy định mức tối thiểu đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt và giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế, quyết định tỷ trọng đầu tư xây dựng đường sắt trong tổng mức đầu tư công cho ngành GTVT”, đại biểu đoàn Long An nêu kiến nghị.

Phát biểu tiếp thu ý kiến đại biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chỉ rõ thực tế ngành đường sắt trong thời gian qua được quan tâm rất ít. “Với một ngành đường sắt hơn 100 tuổi, từ khi có hệ thống đường sắt, chúng ta là một trong những nước rất hiếm có hệ thống hiện đại như vậy. Nhưng sau 100 năm thì đường sắt của chúng ta cứ kém dần đi và cho đến hiện nay thì thực sự rất lạc hậu”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Theo ông Trương Quang Nghĩa, giai đoạn từ năm 2011-2015, đầu tư cho ngành đường sắt rất hạn chế với khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư cho ngành giao thông, trong khi đó đường bộ là 88,89%. “Tất nhiên đường bộ đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong hệ thống giao thông của chúng ta. Nhưng đường sắt lại ít được quan tâm, đặc biệt là kết nối các phương thức khác nhau”, Bộ trưởng nói thêm.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa còn cho biết, từ sau kỳ họp thứ 2, Bộ GTVT đã tổ chức rất nhiều các hoạt động để hoàn thiện các nội dung được góp ý. Bộ này đã tổ chức 6 cuộc hội thảo tại 3 vị trí Bắc, Trung, Nam trực tiếp các đối tượng chịu sự chi phối của Luật Đường sắt và cũng đã tổ chức 4, 5 đoàn đi các vị trí của cả nước các địa phương và một đoàn đi ở nước ngoài để tham khảo đó là ở Trung Quốc.

Quang Phong