Bộ Giao thông loại bỏ “xe hợp đồng điện tử”, taxi công nghệ bị xóa sổ?

(Dân trí) - Trong lần thứ 6 trình lên Chính phủ nội dung Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, Bộ GTVT loại bỏ hoàn toàn khái niệm “xe hợp đồng điện tử” với xe dưới 9 chỗ và gọi chung là “kinh doanh taxi”, tức là Grab sẽ giống như taxi truyền thống.

“Cào bằng” mọi loại hình?

Trong bản dự thảo lần 5 trình Chính phủ ngày 31/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) dành riêng 1 chương về “xe hợp đồng điện tử”. Tuy nhiên, với dự thảo lần 6, Bộ GTVT đã loại bỏ hoàn toàn khái niệm trên, thay vào đó là định nghĩa mới về hình thức “kinh doanh taxi”.

Dự thảo nêu rõ: Kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi là việc sử dụng ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (bao gồm cả người lái xe) để vận chuyển hành khách; có lịch trình và hành trình theo yêu cầu của hành khách; có sử dụng đồng hồ tính tiền để tính cước chuyến đi hoặc sử dụng phần mềm để đặt xe, huỷ chuyến, tính cước chuyến đi và kết nối với hành khách thông qua môi trường mạng.

“Nghĩa là Dự thảo nghị định mới yêu cầu xe hợp đồng dưới 9 chỗ chấm dứt việc ứng dụng công nghệ và phải chuyển đổi sang loại hình taxi (nếu muốn tiếp tục áp dụng công nghệ) và thực hiện tất cả các quy định của loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi.” - đại diện Ban soạn thảo Nghị định cho biết.

Đặc biệt, trong dự thảo Bộ GTVT nêu rõ trước ngày 1/7/2019, xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng sử dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì phải thực hiện cấp đổi phù hiệu xe taxi và thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh của xe taxi theo quy định tại Nghị định này.

Theo đề xuất của Bộ GTVT, xe Grab và taxi truyền thống sẽ được cào bằng loại hình, không còn xe hợp đồng điện tử như hiện nay (ảnh: Internet)
Theo đề xuất của Bộ GTVT, xe Grab và taxi truyền thống sẽ được "cào bằng" loại hình, không còn xe hợp đồng điện tử như hiện nay (ảnh: Internet)

Như vậy, theo nội dung dự thảo này, những xe dưới 9 chỗ đang tham gia mạng lưới xe hợp đồng kí kết hợp đồng điện tử (dịch vụ GrabCar trên ứng dụng Grab - PV) thông qua các hợp tác xã vận tải, doanh nghiệp vận tải đều được coi là “xe taxi” và thực hiện gắn mào, lắp đồng hồ tính tiền… như những xe taxi thông thường.

Không chấp nhận… cái mới (!?)

Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội - cho biết, xe ứng dụng công nghệ bản chất là hoạt động kinh doanh vận tải nên phải được coi là taxi. Các xe này phải có bộ nhận diện riêng hoặc gắn biển màu vàng để phân biệt với xe gia đình, các cơ quan chức năng dễ quản lý.

Tuy nhiên, trái với những quan điểm nói trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng không nên vì chưa định danh được mà không tạo điều kiện cho những loại hình xe hợp đồng ứng dụng công nghệ như Grab hoạt động.

Theo ông Long, Dự thảo mới đang định danh doanh nghiệp công nghệ là doanh nghiệp vận tải, yêu cầu doanh nghiệp công nghệ phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh và điều kiện hoạt động như một hãng taxi truyền thống sẽ làm biến đổi bản chất. Khi đó, các doanh nghiệp như Grab sẽ phải phình bộ máy, tăng chi phí thuê mặt bằng, chi phí quản lý, sửa chữa, bảo dưỡng xe, chi phí lương thưởng, chế độ đãi ngộ cho nhân viên...

“Mọi chi phí sẽ được doanh nghiệp áp vào giá thành, triệt tiêu lợi ích của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời, cản trở sáng tạo công nghệ số, xóa bỏ kinh tế chia sẻ.” - ông Long nói.

Còn Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO nhìn nhận: Bộ GTVT đang rất lúng túng trong việc đưa ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong khi đáng lẽ dự thảo này đã phải được trình Chính phủ ban hành từ rất lâu rồi.

Vị luật sư này nhìn nhận, cái khó của Bộ GTVT là trong Luật Giao thông đường bộ không quy định rõ loại hình taxi công nghệ hay taxi truyền thống mà chỉ quy định loại hình taxi nói chung. Vì thế, nếu muốn sửa đổi thì phải chấp nhận sửa Luật, còn nếu cứ “bám chặt” vào Luật Giao thông đường bộ để ban hành thì rõ ràng là không chấp nhận cái mới trong thực tế hiện hữu.

Như vậy, sau 6 lần trình chính thức lên Chính phủ và hơn 20 cuộc hội thảo, xin ý kiến khác nhau, dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vẫn gây nhiều tranh cãi và cũng như đề xuất của Bộ GTVT hồi cuối tháng 8 vừa qua, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là “chiếc áo quá chật” cho sự phát triển của đất nước, hàng loạt vấn đề mới đã phát sinh cần phải thay đổi cho phù hợp thực tiễn nên cần phải hướng tới việc sửa Luật Giao thông đường bộ.

Châu Như Quỳnh