1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bộ Công an: Tội phạm về ma túy ngày càng nghiêm trọng, phức tạp

(Dân trí) - Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ở Việt Nam có diễn biến phức tạp. Các loại tội phạm về ma túy vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng gia tăng, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn.

Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống ma túy của Bộ Công an vừa gửi tới Bộ Tư pháp, tình hình sử dụng trái phép chất ma túy ở nước ta có diễn biến phức tạp. Ma túy sử dụng chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp, xu hướng sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng tăng. Hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)....

Bộ Công an: Tội phạm về ma túy ngày càng nghiêm trọng, phức tạp - 1

Các đối tượng ngang nhiên sử dụng ma túy trong quán karaoke (Ảnh: Hoàng Thuận).

Sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng

Theo thống kê của Bộ Công an, trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2018, trên phạm vi cả nước có tổng số trên 365.000 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.000 người sử dụng trái phép chất ma túy vi phạm pháp luật, phạm tội; trên 5.300 người sử dụng trái phép chất ma túy gây bất ổn về tình hình an ninh, trật tự...

“Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm và không xử lý bằng pháp luật hình sự mà xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính”- báo cáo cho hay.

Trong thời gian qua, người sử dụng trái phép chất ma túy (ma túy tổng hợp) gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều nơi với nhiều vụ án, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.

Do đó, Bộ Công an cho rằng cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

Trong khi đó, tình hình người nghiện ngày càng diễn biến phức tạp. Cụ thể, năm 2009 số người nghiện có hồ sơ quản lý cả nước là 146.700 người, đến năm 2018 số người nghiện cả nước là 225.000 người.

Công an các địa phương đã chủ động tiến hành điều tra, nắm tình hình người nghiện và phối hợp với các lực lượng có liên quan lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc, mở hồ sơ quản lý người sử dụng ma túy; từ đó đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhiều kế hoạch, đề án trong quản lý người nghiện ở địa bàn cư trú.

Người nghiện có ở tất cả các địa phương, có ở mọi thành phần, mọi lứa tuổi song chủ yếu ở lớp trẻ (0,1% dưới 16 tuổi; 76% dưới 35 tuổi). Khoảng 1.600 người tử vong do sốc quá liều hàng năm; khoảng 50% người nghiện có các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Bộ Công an: Tội phạm về ma túy ngày càng nghiêm trọng, phức tạp - 2

Một đường dây buôn bán ma túy bị triệt phá (Ảnh: Xuân Sinh).

Mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp

Bộ Công an cho biết, thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, các Bộ đã chỉ đạo lực lượng chuyên trách tăng cường nắm tình hình, tổ chức đấu tranh mạnh mẽ trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, tập trung vào tuyến Tây Bắc, Bắc miền Trung và Tây Nam, các cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, TPHCM...).

Đồng thời đẩy mạnh công tác phối hợp, nhất là phối hợp với các địa phương và các lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới để triển khai các hoạt động khảo sát, phối hợp kiểm tra, ngăn chặn từ xa.

Qua đó, nhiều tổ chức, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện, bắt giữ, thu giữ lượng ma túy lớn; tổ chức triệt xóa các điểm, tụ điểm ma túy phức tạp.

Từ năm 2009 đến hết năm 2018, Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển, cơ quan Hải quan đã phát hiện, điều tra bắt giữ trên 203.600 vụ; thu giữ trên 9.329 kg và 2.635 bánh heroine; gần 2.000 kg thuốc phiện; trên 25.000 kg cần sa tươi, khô; gần 7.000 kg ma túy tổng hợp; trên 9 triệu viên ma túy tổng hợp.

Mặc dù kết quả đấu tranh với tội phạm ma túy những năm qua là rất lớn nhưng Bộ Công an nhận định các loại tội phạm về ma túy ở Việt Nam vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng gia tăng.

Tính chất và mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn. Số vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn ngày càng nhiều. Tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài cũng diễn biến rất phức tạp.

Nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy có sự cấu kết giữa người Việt Nam và người nước ngoài hoặc người nước ngoài trực tiếp vận chuyển ma túy vào Việt Nam, nhất là các đối tượng người châu Phi tổ chức các đường dây vận chuyển ma túy vào Việt Nam và đi nước thứ 3 tăng lên. Tình hình sản xuất ma túy tổng hợp, hàm lượng ma túy thành phẩm cao hơn so với trước.

“Các đối tượng phạm tội là người Việt Nam đã từng sống, lao động ở nước ngoài trực tiếp hoặc móc nối với tội phạm là người nước ngoài để tổ chức sản xuất ma túy ở nhiều địa phương như thành phố Hà Nội, TPHCM, Nghệ An, Long An, Bắc Ninh,...”- báo cáo của Bộ Công an nêu rõ.

Thế Kha