Bộ Công an thông tin về sai phạm của Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai, đã câu kết với nhiều cá nhân ký kết biên bản thỏa thuận nhằm thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su, gây thiệt hại hàng trăm tỷ.
Những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao Su Bà Rịa, được đại diện Bộ Công an thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 5/8.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết đến nay, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố 17 bị can liên quan vụ án này về các tội danh: Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cũng theo Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, ngày 18/7, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Như Loan, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Thông tin rõ hơn, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết bà Loan đã có dấu hiệu thông đồng với bà Lê Thị Y Linh (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Retro Harvest Finance); ông Đặng Phước Dừa (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư thương mại Việt Tín) và các cá nhân thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty cao su Bà Rịa.
Những người này đã ký kết các biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư, chuyển nhượng vốn, nhằm thâu tóm 100% vốn góp tại khu đất từ Tập đoàn Cao su Việt Nam không qua đấu giá, trái quy định của pháp luật, để bán cho Công ty cổ phần bất động sản Thịnh vượng.
Hành vi này gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, theo ông Tuyên.
Ông cho biết Cơ quan Cảnh sát Điều tra đang củng cố tài liệu, chứng cứ đối với sai phạm của các bị can đã khởi tố, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, áp dụng các biện pháp theo luật định để thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Bộ Công an vừa rồi đã mở rộng điều tra vụ án Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn (quận 4, TPHCM), rộng hơn 6.200m2.
Liên quan đến vụ án, hôm 15/7, C03 đã bắt tạm giam bà Nguyễn Thị Hồng, cựu Phó chủ tịch UBND TPHCM, cựu Phó trưởng Ban Chỉ đạo 09, về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Đến nay, ít nhất 17 người đã bị khởi tố.
Giữa năm 2021, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các dấu hiệu sai phạm tại dự án 39-39B Bến Vân Đồn.
Theo kết luận thanh tra, khu đất rộng hơn 6.200m2 này có nguồn gốc thuộc sở hữu Nhà nước, do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Bà Rịa, Cao su Đồng Nai quản lý. Cuối tháng 12/2009, Công ty TNHH Phú Việt Tín (trụ sở chính 39-39B Bến Vân Đồn) được thành lập với hai thành viên là Tổng Công ty cao su Đồng Nai (chiếm 72% vốn) và Công ty cao su Bà Rịa (chiếm 28%).
Tháng 3/2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi khu đất và giao cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư, kinh doanh theo quy hoạch. Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2014, toàn bộ phần vốn góp của Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa trong Phú Việt Tín đã được bán cho Quốc Cường Gia Lai.
Sau đó hơn hai tháng, bà Nguyễn Thị Như Loan đã ký quyết định chuyển nhượng 40% phần vốn góp của Quốc Cường Gia Lai trong vốn điều lệ Phú Việt Tín cho Công ty CP bất động sản Thịnh Vượng. Đồng thời, chuyển nhượng 54% vốn điều lệ còn lại cho Công ty CP Biệt thự Thành phố.
Đến tháng 3/2017, Phú Việt Tín ký kết hợp đồng sát nhập vào Công ty TNHH đầu tư và phát triển bất động sản Phúc Nguyên. Như vậy, khu đất công này đã bị biến thành tài sản tư nhân, đã được chuyển đổi qua nhiều chủ, và hiện là tổ hợp căn hộ cao cấp, thương mại dịch vụ và văn phòng.