Bộ Công an lý giải việc chậm trả thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06 - Bộ Công an) đã có những giải thích vì sao chậm trả thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân.
Mới đây tại cuộc họp báo thông báo kết quả hoạt động công an 6 tháng đầu năm 2021 của Bộ Công an, phóng viên báo chí đã hỏi đại diện Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) về việc vì sao người dân làm thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử từ nhiều tháng nay mà vẫn chưa được trả thẻ?
Trả lời câu hỏi trên, Đại tá Phạm Công Nguyên, Cục trưởng C06 cho biết, theo kế hoạch, C06 phấn đấu đến ngày 1/7/2021 sẽ in và trả 50 triệu thẻ CCCD gắn chíp điện tử cho người dân.
Theo ông Nguyên, chíp dùng để sản xuất CCCD gắn chíp điện tử phải nhập từ nước ngoài về. Tuy nhiên, hiện nay đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tiến độ của ngành sản xuất chíp điện tử nói riêng và các thiết bị điện tử nói chung tại các quốc gia trên thế giới.
"Cái chíp mà chúng ta sử dụng để sản xuất CCCD gắn chíp điện tử có cấu trúc kỹ thuật và độ bảo mật rất cao và phải nhập khẩu từ nước ngoài về. Do ảnh hưởng của Covid-19 nên tiến độ sản xuất thẻ căn cước công dân gắn chíp để trả cho người dân cũng bị ảnh hưởng chung, chậm lại. Đây là lý do khách quan, hiện nay chúng tôi đang cố gắng ở mức độ tối đa để in nhanh thẻ CCCD gắn chíp điện tử để trả cho người dân càng sớm càng tốt. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 9/2021 sẽ in và trả toàn bộ số thẻ CCCD gắn chíp cho người dân như đã cam kết", Đại tá Phạm Công Nguyên thông tin.
Về dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (CSDLQGDC), Đại tá Phạm Công Nguyên cho biết, đến nay dự án này đã cơ bản hoàn thành. Các bộ, ngành, địa phương khi có đủ điều kiện về an ninh, an toàn thông tin, hạ tầng cơ sở vật chất đảm bảo sẽ được kết nối với CSDLQGDC. Theo kế hoạch của Bộ Công an, sau ngày 1/7/2021, việc kết nối CSDLQGDC đối với các bộ, ngành, địa phương sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay một số bộ, ngành, địa phương đã thực hiện kết nối với CSDLQGDC và phát huy tác dụng.
"Trước mắt việc các bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện kết nối được với CSDLQGDC vì nhiều lý do khác nhau, thì người dân vẫn sử dụng các giấy tờ cũ để giao dịch. Tuy nhiên, sau khi việc kết nối với CSDLQGDC được đồng bộ với các bộ, ngành, địa phương thì những thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm và mang lại tác dụng cho người dân. Dữ liệu này xác thực, chính xác và được bảo mật đồng nhất", Đại tá Phạm Công Nguyên cho biết thêm.
Trước đó, ngày 22/6, tại Hội nghị tổng kết dự án CSDLQGDC, dự án Sản xuất, cấp và quản lý CCCD và lễ công bố vận hành chính thức Hệ thống từ ngày 1/7/2021, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, sau khi được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án CSDLQGDC vào tháng 3/2020 và dự án CCCD vào tháng 9/2020, chỉ trong thời gian hơn một năm, Bộ Công an đã xây dựng thành công 2 dự án.
Bộ Công an đã thành lập Ban chỉ đạo do Bộ trưởng trực tiếp là Trưởng ban, 3 Thứ trưởng là Phó Trưởng ban và lãnh đạo các Cục nghiệp vụ liên quan là thành viên tham gia để chỉ đạo thực hiện quyết liệt, xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể kèm theo các mốc thời gian tính theo từng ngày, với tinh thần "vừa chạy, vừa xếp hàng", hoàn thành 2 dự án vào ngày 1/7/2021.
Tổng kết hai dự án trọng điểm này có thể thấy những kết quả nổi bật như: Đã cơ bản hoàn thành xây dựng hệ thống Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý CCCD; hoàn thành thu thập, bổ sung thông tin dân cư trên cả nước, tiến hành "làm sạch" dữ liệu, đồng bộ vào hệ thống và cấp mã số định danh cho công dân trong toàn quốc; hoàn thành việc thiết kế và sản xuất thẻ CCCD mới có gắn chíp điện tử; đồng thời trong thời gian ngắn hoàn thành triển khai chiến dịch cấp 50 triệu thẻ căn cước cho công dân để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp; đã triển khai kết nối thử nghiệm thành công CSDLQGDC với các bộ, ngành, địa phương.
"Với những kết quả đã đạt được, Bộ Công an chính thức công bố đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu dự án CSDLQGDC và dự án CCCD. Hai hệ thống này sẽ chính thức hoạt động từ ngày 1/7/2021 và sẵn sàng kết nối với các bộ, ngành, địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử và phục vụ nhân dân", Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc thông tin.