Bộ Công an lên tiếng về đề xuất thu phí chia sẻ dữ liệu dân cư của Hà Nội

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) khẳng định Luật Căn cước công dân quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí. Bộ Công an chưa đề xuất việc này.

“Đó mới là đề xuất riêng của Hà Nội, Bộ Công an chưa có đề xuất về việc này. Còn hiện nay Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”- vị lãnh đạo C72 phản hồi trước thông tin Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho Hà Nội thí điểm thu giá dịch vụ đối với việc chia sẻ dữ liệu dân cư đối với các ngành như ngân hàng, công chứng để mỗi năm có thể thu được 300 tỷ đồng.

Vị lãnh đạo C72 khẳng định, Khoản 1 Điều 32 Luật Căn cước công dân quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí, trừ các trường hợp sau: Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Công an Hà Nội thu thập thông tin, cấp căn cước công dân (Ảnh minh hoạ).
Công an Hà Nội thu thập thông tin, cấp căn cước công dân (Ảnh minh hoạ).

Theo dự thảo thông tư được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến từ cuối năm 2017, người nộp phí là cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có văn bản yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được sự đồng ý của cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải nộp phí theo quy định.

Đơn vị tổ chức thu phí gồm: Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72); Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Dự thảo cũng đề xuất một số mức thu phí cụ thể như khai thác báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp tỉnh, thành phố 250.000 đồng/báo cáo (dữ liệu tổng hợp); báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp quận, huyện 200.000 đồng/báo cáo; báo cáo thống kê tổng hợp dữ liệu dân cư cấp xã, phường, thị trấn 150.000 đồng/báo cáo (dữ liệu tổng hợp). Khai thác dữ liệu chi tiết dân cư 800 đồng/1 thông tin về công dân.

Theo tính toán, chi phí cho một lần khai thác đủ 15 thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là 12.000 đồng và như vậy số tiền phí thu được trong 1 năm dự kiến trên 38 tỷ đồng.

Căn cứ vào nhu cầu khai thác chi tiết dữ liệu dân cư, cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ quyết định và cho phép các tổ chức, cá nhân khai thác số lượng thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo bí mật đời tư của công dân.

Theo vị lãnh đạo C72 - Tổng cục Cảnh sát, dự thảo thông tư của Bộ Tài chính được tính toán để nhiều cơ quan trên cả nước có thể thu được.

“Luật Căn cước công dân không quy định cụ thể những thông tin nào có thể khai thác chia sẻ, việc đó giao cho Bộ Công an quy định cụ thể sau”- vị lãnh đạo C72 nói và cho biết đến nay chưa có thông tin về thời điểm Bộ Tài chính sẽ ban hành thông tư trên.

Như Dân trí đã phản ánh, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết Luật Căn cước công dân quy định việc xây dựng dữ liệu dân cư được giao cho Bộ Công an nhưng Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì việc tổ chức quản lý dân cư được giao cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành.

“Mọi người đang cho là phí này sẽ thu của người dân, thực tế thì không phải như vậy. Ở đây, các đơn vị như ngân hàng, phòng công chứng… muốn truy cập vào hệ thống thì phải trả phí. Việc chia sẻ như thế vô cùng tiện lợi với người dân. Nhưng đến khoảng năm 2022, Bộ Công an mới xây dựng xong cơ sở dữ liệu. Trong khi đó ở 63 tỉnh, thành thì Hà Nội đã làm xong trước rồi. Do vậy, tôi đề nghị chia sẻ như vậy. Người có thẩm quyền chia sẻ chỉ có Chủ tịch UBND TP và Bộ trưởng Bộ Công an thôi

Thông tin chia sẻ là thông tin trong chứng minh thư chứ không phải là thông tin cá nhân. Việc chia sẻ như vậy để lấy tiền trả cho việc mình viết phần mềm, trả cho việc thuê đường truyền, thuê trung tâm dữ liệu… Cơ sở dữ liệu mà tôi đề xuất là 7 thông tin trong Chứng minh thư nhân dân”- ông Chung nói.

Thế Kha