Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử
(Dân trí) - Ngày 18/3, Bộ Công an tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan để thảo luận, tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử.
Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban soạn thảo Nghị định chủ trì cuộc họp. Cùng dự còn có đại diện 21 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các thành viên trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định.
Phát biểu khai mạc cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh, việc xây dựng Nghị định về định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoạt động định danh và xác thực điện tử. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác. Đồng thời, phục vụ công tác quản lý dân cư của cơ quan chức năng, góp phần thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, công dân, đáp ứng yêu cầu về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân…
Hội nghị đã công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an về việc thành lập Ban Soạn thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử; quyết định về việc thành tập Tổ biên tập. Được sự ủy quyền của Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Soạn thảo, Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Thư ký Ban soạn thảo, đã trình bày báo cáo tóm tắt về quá trình xây dựng Nghị định và những nội dung cần xin ý kiến. Báo cáo nêu rõ: Hiện nay, xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến đã và đang được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm.
Từ ngày 1/7/2021, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) đã chính thức được đưa vào sử dụng, đây là cơ sở quan trọng để làm nền tảng cho việc định danh và xác thực điện tử. Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất, chỉ cung cấp một danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về DC với cơ sở dữ liệu khác.
Ngày 8/11/2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2001/QĐTTg quy định về định danh và xác thực điện tử trên nền tảng CSDLQG về DC, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (CSDLCCCD) và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh (CSDLQG về XNC). Tuy nhiên, những quy định tại quyết định này chưa cụ thể, rõ ràng nên yêu cầu đặt ra là cần phải xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để quy định cụ thể các nội dung liên quan về định danh và xác thực điện tử. Chính vì vậy, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử, đặc biệt trong quá trình triển khai Đề án 06 của Chính phủ thời gian tới sẽ có nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu dành cho người dân và doanh nghiệp, là hết sức cần thiết.
Thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, Bộ Công an đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập có thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm, mô hình xây dựng định danh và xác thực điện tử của một số quốc gia; đồng thời kế thừa một số nội dụng dự thảo Nghị định do Bộ thông tin và Truyền thông xây dựng…, Bộ Công an đã xây dựng nghị định về định danh và xác thực điện tử gồm 6 chương, 42 Điều. Bộ Công an đã đăng dự thảo Nghị định trên cổng thông tin của Chính phủ và Bộ Công an để xin ý kiến và đã có văn bản gửi xin ý kiến chính thức của các bộ, ngành, địa phương.
Tại cuộc họp, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng Ban soạn thảo, các đại biểu đã tiến hành tham luận; cho ý kiến vào dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử, tập trung đánh giá về sự cần thiết ban hành Nghị định, bố cục, nội dung cơ bản của Nghị định; đối tượng cấp tài khoản định danh điện tử; mô hình của hệ thống định danh và xác thực điện tử; các thủ tục hành chính được quy định tại dự thảo Nghị định; phí và lệ phí khi thực hiện định danh và xác thực điện tử.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc ghi nhận, đồng thời trân trọng, tiếp thu ý kiến tham gia của các đại biểu; khẳng định buổi họp này là một trong những lộ trình của Đề án 06 và Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử là một trong hai Nghị định cốt lõi để triển khai Đề án 06.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc mong muốn các đơn vị là thành viên Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tổ chức thảo luận tại đơn vị theo ngành, lĩnh vực của mình để đảm bảo sự đầy đủ, thống nhất với Bộ Công an. Trong quá trình này, vừa làm, vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện, song cùng đặt mục tiêu dự thảo sẽ sớm được ban hành với nội dung cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và hoàn chỉnh nhất. Đồng thời, đề nghị các đơn vị tiếp tục tham gia, gửi văn bản góp ý kiến đến Ban soạn thảo để cùng với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp đạt mục tiêu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trong tháng 4/2022.
"Với hệ thống Công an 4 cấp, đặc biệt là lực lượng Công an chính quy ở các xã sẽ giúp các bộ, ngành xuống tận cơ sở hoàn thành dữ liệu chuyên ngành của từng đơn vị trên CSDLQG và DC đang được Bộ Công an "nuôi sống" trên toàn quốc", Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Để Nghị định về định danh và xác thực điện tử ra đời, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác, Bộ Công an cũng đề nghị Cục kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội và Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trao đổi với nhau, làm việc với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng dự thảo.