1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an: Gần 2.000 người đi bộ về quê tránh dịch

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Phó Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, trong số gần 6.000 người về quê tránh dịch qua địa bàn tỉnh Hà Nam, có gần 2.000 người đi bộ (trong đó có 153 trẻ em).

Thông tin trên được Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão số 7, diễn ra vào sáng nay (10/10). Cuộc họp do Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì.

Bộ Công an: Gần 2.000 người đi bộ về quê tránh dịch - 1

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, cho đến thời điểm này có hơn 2.000 điểm xung yếu về trật tự an toàn giao thông. Các điểm xung yếu này đã được hơn 3.000 cán bộ chiến sĩ của CSGT trực chiến. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đã huy động hơn 8.000 phương tiện trực sẵn ở các tuyến đường bộ ở đồng bằng, miền núi.

Tình hình di dân của các tỉnh phía Nam, tính từ ngày 5/10 trở lại đây, có hơn 26.000 người (chủ yếu là lực lượng lao động ở các tỉnh phía Nam) di chuyển dọc tuyến đường Trường Sơn, quốc lộ 1A về quê tránh dịch.

Qua địa bàn Huế, Đà Nẵng, Quảng Trị, công an các địa phương đã nắm rất chắc dự báo dòng người hồi hương. Dự báo, dòng người hồi hương thời  gian tới vẫn còn tiếp tục.

Bộ Công an: Gần 2.000 người đi bộ về quê tránh dịch - 2

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Nguyễn Dương).

"Qua công tác chống dịch vừa rồi, chúng tôi thấy các phương tiện giải trí, cũng như tiếp cận phương tiện truyền thông của lực lượng lao động là hạn chế. Bởi tiền điện thoại, điện thoại thông minh, cũng như các phương tiện khác của lao động bị đứt gãy. Do đó, số lao động này tiếp cận thông tin rất chậm, một số trường hợp là không tiếp cận được", Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nói.

Theo Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, 12h đêm qua (9/10), Bộ Công an đã chỉ đạo Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam chỉ đạo các chốt cho dừng việc di chuyển của dòng người hồi hương bằng tất cả các phương tiện, kể cả đi bộ. Lực lượng công an Hà Nam đã chủ động báo cáo với chính quyền cho sử dụng một số nhà văn hóa để bà con vào đó lưu trú.

Riêng tại tỉnh Hà Nam, từ ngày 5/10-10/10, đã có 95 ô tô, hơn 2.000 xe máy, với gần 6.000 người hồi hương từ các tỉnh phía Nam đi qua địa phận tỉnh này.

"Trong dòng người hồi hương qua địa bàn Hà Nam, một điểm đặc biệt nữa là có 1.892 người dân đi bộ, trong đó có 153 trẻ em, điều này rất nguy hiểm khi gặp bão vào đất liền. Bà con hồi hương về quê tránh dịch luôn trong tình trạng vừa đói, vừa rét. Tại Hà Nam, công an đã xin phép chính quyền cho sử dụng nhà văn hóa, sử dụng tất cả các phương tiện có thể để hỗ trợ bà con", Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nói thêm.

Trong bối cảnh trên tại Hà Nam, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên cho biết, các đơn vị công an đã sử dụng xe chở quân, chở vũ khí để đưa đồng bào vào các nhà văn hóa.

Bộ Công an đã chỉ đạo, thời điểm bão vào, yêu cầu lực lượng công an trên các chốt phải cho dừng toàn bộ các hoạt động đi lại của người dân, đặc biệt là người dân từ phía Nam đi ra.

"Một mình lực lượng công an không thể giải quyết hết được chỗ ở cho bà con. Chúng tôi chỉ đảm bảo việc ăn, uống cho bà con. Ngoài ra, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự và cơ động, phải chủ động hỗ trợ bà con trong việc này", Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên nói thêm.

Một lo lắng nữa được Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên đưa ra tại cuộc họp, đó là, sau khi bão tan, làm thế nào để dòng người, nhất là số người đi bộ được tiếp tục trở về quê an toàn. Về việc này, công an các tỉnh đã có sự trao đổi với nhau, bàn bạc với chính quyền địa phương để có phương án đón công dân của tỉnh mình về quê an toàn.

Về vấn đề trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Văn phòng Thường trực Ban Chỉ  đạo quốc gia về PCTT phải chuyển phương án để đẩy sớm việc lưu thông đường bộ, đường sắt.

"Chiều nay phải ban hành công điện gửi cho các Bộ, ngành, địa phương, trong phạm vi khoảng 2 ngày phải cho vận tải hành khách đường sắt hoạt động, đường bộ thì hoạt động liên tỉnh thôi", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành ghi nhận, thời gian vừa qua, Bộ Công an đã rất tích cực hỗ trợ bà con hồi hương trong việc lưu thông an toàn, thời gian tới cần tiếp tục phát huy.

"Lực lượng lao động hồi hương với số lượng rất lớn, khoảng 26.000 người thời gian qua, di chuyển bằng các phương tiện, kể cả đi bộ. Bộ Công an, các đơn vị khác cần có giải pháp chặt chẽ, phối hợp với địa phương trước khi bão số 8 đổ bộ, đảm bảo an toàn cho bà con. Việc này thực hiện tốt sẽ giảm rủi ro cho bà con khi bão vào, nếu bà con đi đến địa phương nào có bão, phải mời bà con vào khu vực tránh trú an toàn như nhà văn hóa, khi bão tan thì mới cho di chuyển tiếp", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị.

Đảm bảo an toàn cho người lao động di chuyển qua khu vực đang diễn ra bão, lũ

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia về diễn biến bão số 7 và tình hình thiên tai 10 ngày tới khả năng hình thành bão và áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lũ lớn gây ngập lụt, sạt lở đất lũ quét, gây rủi ro rất cao trên  tuyến quốc lộ 1 và liên tỉnh, liên huyện khu vực miền trung.

 Hiện nay, lực lượng lao động từ một số tỉnh phía nam đang di chuyển trên tuyến đường bộ qua khu vực miền Trung có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sức khỏe, nhất là phụ nữ và trẻ em trên phương tiện xe máy, hoặc đi bộ. Để góp phần đảm bảo an toàn việc di chuyển lực lượng lao động qua vùng có thiên tai đang và sẽ xảy ra trong thời gian tới; Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai (PCTT) đề nghị Trưởng ban Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo việc hỗ trợ cũng như thông tin tới các lực lượng lao động có nhu cầu di chuyển biết được diễn biến của bão lũ; có kế hoạch, phương án di chuyển đảm bảo an toàn.