1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, đặc điểm nhận dạng và thay quê quán thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú... trên căn cước công dân gắn chip.

Đây là một trong những điểm chính nêu trong dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi, đang được Bộ Công an lấy ý kiến.

Căn cước công dân là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân, là bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa và in trên thẻ cứng.

Bộ Công an dự kiến in trên thẻ cứng 13 trường thông tin, hình ảnh. Tại mặt trước của thẻ, số căn cước công dân sẽ đổi thành mã số định danh cá nhân, là dãy 12 chữ số.

Phần quê quán được ghi thành nơi đăng ký khai sinh, nơi thường trú thành nơi cư trú.

Ở mặt sau, Bộ Công an đề xuất lược bỏ vân tay của ngón trỏ trái, ngón trỏ phải và đặc điểm nhận dạng.

Họ tên, chức vụ, chữ ký của người cấp thẻ sẽ đổi ngắn gọn thành "nơi cấp: Bộ Công an"; bỏ chữ ký và tên người ký cấp thẻ là Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Dự thảo dành một mục với 4 điều quy định về các vấn đề liên quan cơ sở dữ liệu. Theo đó, 31 trường thông tin sẽ được thu thập vào cơ sở dữ liệu về căn cước.

Ngoài thông tin nhân thân cơ bản còn có "họ tên gọi khác, nghề nghiệp, trình độ học vấn,...". Đặc biệt, Bộ Công an đề xuất thu thập đặc điểm nhận dạng, thông tin sinh trắc học như ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho biết, việc thu thập thông tin sinh trắc học không đại trà, sẽ chỉ áp dụng với một số người có tiền án, tiền sự để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Quy định này giống với nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc.

Thông tin sinh trắc học sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật. Thông tin sau đó được chuyển cho đơn vị quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu về căn cước.

Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip - 1

Bộ Công an đề xuất bỏ vân tay, quê quán trên căn cước công dân gắn chip (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Dự thảo đề xuất chứng minh thư nhân dân còn thời hạn sử dụng vẫn có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Các loại giấy tờ sử dụng thông tin từ chứng minh thư vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.

Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh thư, căn cước công dân trong các giấy tờ, Bộ Công an nêu quan điểm.

Đặc biệt, Dự thảo đề xuất cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, bao gồm cả nhóm dưới 6 tuổi. Đây là điểm mới khi luật hiện hành quy định công dân từ đủ 14 tuổi mới được cấp, sẽ làm độ tuổi phải đổi thẻ căn cước công dân thay đổi theo, ở mốc: 14, 25, 40 và 60 tuổi. Quy định đang áp dụng là 25, 40 và 60 tuổi.

Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi hiện có nhiều ý kiến trái chiều với lo ngại làm phát sinh thủ tục hành chính, chi phí thực hiện.

Về điều này, ngày 17/3, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị cân nhắc, do trẻ em sẽ phát triển thể chất, thay đổi nhanh về ngoại hình, khuôn mặt. Thông tin nhận dạng nếu không được cập nhật thường xuyên sẽ thiếu chính xác.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng việc này phù hợp với thực tiễn. Dự thảo nghiên cứu xây dựng theo hướng thẻ căn cước trẻ em 5 năm phải thay đổi một lần, đảm bảo phản ánh, cập nhật chính xác thông tin.